Chỉ 3/12 dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội có mặt bằng sạch
(Dân trí) - Theo yêu cầu của Chính phủ, để đảm bảo tiến độ và chất lượng của các dự án giao thông trọng điểm, Hà Nội phải hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng xong trước 30/9. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 3/12 dự án có mặt bằng sạch.
“Riêng với Dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài vẫn còn vướng mặt bằng tại một số vị trí, phía Hà Nội đang nỗ lực giải quyết và cam kết muộn nhất đến cuối năm 2013 sẽ bàn giao hoàn toàn mặt bằng sạch cho dự án này. Hà Nội cũng khẳng định sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng cho các dự án còn lại” - Thứ trưởng Trường cho biết.

Trước đó, 12 dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia do Bộ GTVT và các đơn vị trực thuộc đang thực hiện chức năng chủ đầu tư ở trong tình trạng báo động khi phải đối mặt với nguy cơ “lụt” tiến độ do vướng mặt bằng.
Các dự án này bao gồm cả đường bộ, hàng không và đường thủy nội địa: Dự án cầu Nhật Tân, Dự án đường kết nối Nhật Tân - Nội Bài, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Dự án xây dựng QL 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, Dự án xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C, Dự án cap tốc Láng - Hòa Lạc, nút giao Quốc lộ 5; Dự án xây dựng Nhà ga T2 - Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài; Dự án đường thủy nội địa (Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc bộ - WB6); Dự án xây dựng đường sắt nội đô tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên (tuyến 1) và tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2).
Nhiều quốc lộ có hiện tượng sụt lún
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GTVT, vấn đề lún mặt đường bê tông nhựa theo vệt bánh xe xảy ra trên nhiều tuyến quốc lộ được đề cập tới. Thứ trưởng Trường thừa nhận hiện tượng này xảy ra trong thời gian gần đây trên cả quốc lộ và tỉnh lộ, Bộ GTVT đã thành lập đoàn kiểm tra, mời các chuyên gia đầu ngành tham gia để kiểm tra từ khâu thiết kế, thi công và cả mật độ xe tải cũng như xe quá tải hoạt động trên tuyến đường.

Thứ trưởng Trường cho biết đã sơ bộ tìm ra nguyên nhân dẫn đến hiện trượng nói trên. “Nguyên nhân cơ bản nhất là do cấp phối của bê tông nhựa có những vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp với khí hậu từng vùng miền; Thứ hai là chất lượng nhựa đường, việc này Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nhựa đường để phục vụ xây dựng cầu đường; Thứ ba là thời gian vừa qua xe quá tải hoạt động nhiều trên các tuyến đường dẫn tới biến dạng mặt đường theo vệt bánh xe.” - Thứ trưởng Trường cho hay.
Thứ trưởng Trường cũng khẳng định Bộ này đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ và các nhà thầu sửa chữa. Đến nay, đã cơ bản sửa xong các đoạn đường trồi lún và từng bước đưa ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài không để hiện tượng trên xảy ra nữa.
Liên quan đến các Dự án mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14, trước những lo ngại chậm tiến độ dự án, đặc biệt là dự án thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) bởi mặc dù đã được khởi công ở nhiều nơi có dự án đi qua nhưng đến any vẫn chưa thi công do có giấy phép đầu tư, chưa có vốn... Thứ trưởng Trường cho biết, tất cả dự án BOT đều thực hiện theo nguyên tắc: năng lực của nhà đầu tư phải đảm bảo, tức là nhà thầu phải có cam kết của ngân hàng cho vay vối trong quá trình thực hiện dự án.
“Đến nay, Bộ GTVT đã triển khai 17 dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 và 3 dự án BOT trên quốc lộ 14. Tuy nhiên, để triển khai thi công thực tế thì phải thực hiện các khâu lập thiết kế, khâu này đã cơ bản hoàn thành. Thứ hai là giao mốc giải phóng mặt bằng cho các tỉnh (đã giao xong - PV) để lập phương án đền bù GPMB trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt rồi chủ đầu tư cấp vốn giải phóng mặt bằng.
Bộ GTVT quy định cứ có 10km mặt bằng sạch mới cho thi công để đảm bảo chất lượng. Một số dự án ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đã làm như vậy. Tất cả các dự án BOT đều có cơ quan thẩm quyền giám sát nên chúng tôi cam kết dự án hoàn thành đúng tiến độ” - Thứ trưởng Trường nói rõ.
C.N.Q