1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chạy xe Grab cũng bị yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp là sai

Thế Kha

(Dân trí) - Bà Đỗ Thị Thúy Lan, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia, cho rằng người chạy xe công nghệ cũng bị doanh nghiệp yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp là sai, sẽ có chế tài xử lý.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Lan, vừa qua Tổ công tác cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Tư pháp và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu nghiên cứu, xử lý tình trạng lạm dụng cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Chỉ thị số 23/2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và ngăn chặn việc lạm dụng việc cấp phiếu.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người dân về ý nghĩa, vai trò của phiếu lý lịch tư pháp.

Chạy xe Grab cũng bị yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp là sai - 1

Bà Đỗ Thị Thúy Lan, Phó giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia (Ảnh: An Như).

Theo bà Lan, hiện chỉ có 154 thủ tục hành chính có quy định phải có phiếu lý lịch tư pháp, nhưng trong rất nhiều lĩnh vực khác vẫn có yêu cầu người dân phải cấp phiếu này, như tuyển dụng người chạy xe Grab.

"Đây là sự lạm dụng, lĩnh vực này không cần thiết phải có nhưng các cơ quan, tổ chức vẫn yêu cầu người dân phải nộp", bà Lan nói.

Hơn nữa, đang có sự hiểu không chính xác, không đúng tinh thần của Khoản 3, Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp. Theo đó, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội có quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ mục đích quản lý nhân sự, nhưng thay vào đó nhiều nơi lại yêu cầu người dân hoặc công chức, viên chức phải nộp phiếu này.

"Chúng tôi được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao thực hiện các nhóm nhiệm vụ nhằm cải tiến thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho thuận lợi hơn. Hiện có rất nhiều hoạt động lạm dụng, yêu cầu người dân nộp phiếu này", bà Lan cho hay.

"Việc lạm dụng quy định của luật như vậy cần phải tuyên truyền để "nắn" lại việc tổ chức trong lĩnh vực này", bà Lan bày tỏ.

Bộ Tư pháp hiện có 36 thủ tục hành chính liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp và sẽ có một số thủ tục cần cắt giảm.

Chạy xe Grab cũng bị yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp là sai - 2

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 (Ảnh minh họa).

Bộ Tư pháp cũng đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an nghiên cứu, áp dụng việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.

"Sau này phiếu lý lịch tư pháp sẽ được cấp trên app đó luôn. Sau khi thí điểm ở Thừa Thiên - Huế, chúng tôi sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để nhân rộng trên cả nước", bà Lan thông tin.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia sẽ phân cấp, phân quyền cho 63 Sở Tư pháp địa phương vào trực tiếp cơ sở dữ liệu của mình để tra cứu, cấp phiếu trực tuyến.  

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng nghị quyết của Quốc hội về phân cấp cho các Phòng Tư pháp cấp huyện ở Hà Nội và Nghệ An cấp phiếu lý lịch tư pháp.

"Khó nhất hiện nay là chấn chỉnh các doanh nghiệp lạm dụng yêu cầu người lao động nộp phiếu lý lịch tư pháp nhưng lại đang thiếu chế tài. Vì thế cần nghiên cứu bổ sung chế tài đủ mạnh xử lý các doanh nghiệp lạm dụng việc yêu cầu người dân xuất trình phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định", bà Đỗ Thị Thúy Lan nêu quan điểm.

Bà Phan Thị Hồng Hà, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ này đã có kế hoạch thanh tra toàn diện công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp trong thời gian sắp tới.

Sự khác nhau giữa phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2

Luật Lý lịch tư pháp quy định có 2 loại phiếu lý lịch tư pháp do các cơ quan tư pháp cấp; mỗi loại phục vụ các mục đích khác nhau, cung cấp một số thông tin khác nhau. 

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Luật Lý lịch tư pháp, tức là cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này (tức là cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử) và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.