Chất vấn Thủ tướng về bất cập trong tổ chức cơ quan chống tham nhũng
(Dân trí) - Dẫn nhận định của Chính phủ về việc thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang đòi hỏi nhanh chóng khắc phục những bất cập về mô hình, tổ chức, bộ máy của cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng, đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng về giải pháp khắc phục…
Chất vấn của đại biểu Trần Đình Nhã (đại biểu tỉnh Thừa Thiên – Huế) gửi đến Thủ tướng nêu vấn đề, trước tình trạng bất cập của công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng hiện nay, báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 của Chính phủ trước Quốc hội đã nêu nhận định “thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay đòi hỏi phải nhanh chóng khắc phục những bất cập về mô hình, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng”. Ông Nhã dẫn chứng, năm 2014 chỉ hát hiện, khởi tố 303 vụ/599 bị can, giảm 3,81% số vụ và 9,34% số bị can so với năm 2013.
Trả lời câu hỏi này, văn bản của Thủ tướng gửi tới đại biểu trình bày, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Về mặt thể chế, trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chủ tịch nước đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản quy định chi tiết thi hành luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, hệ thống tổ chức bộ máy chỉ đạo, tham mưu và thực thi phòng chống tham nhũng từ Trung ương tới địa phương đã được kiện toàn tương đối đồng bộ.
Các cơ quan chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng thì có Ban Nội chính Trung ương - cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương (thành lập tháng 2/2013) chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và các Ban Nội chính trực thuộc Tỉnh uỷ, Thành uỷ tại các địa phương.
Các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng thì ở Trung ương có Thanh tra Chính phủ với Cục Chống tham nhũng chuyên đảm trách nhiệm vụ này, ở địa phương thì có các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tình thành, có bộ máy tham mưu về phòng, chống tham nhũng được thành lập trong cơ quan Thanh tra cấp tỉnh và cấp huyện.
Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, Thủ tướng cho biết, tháng 10/2012, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" với mục tiêu xây dựng một nền công vụ "chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả". Trong Đề án đã xác định nhiệm vụ xây dựng đội ngũ công chức thanh tra công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
“Việc triển khai có hiệu quả Đề án này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng” – người đứng đầu Chính phủ quả quyết.
Ngoài ra, thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công khai minh bạch, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy đảng và chính quyền, giữa các cơ quan chức năng; tiến hành sơ kết, đánh giá và đề xuất mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng.
P.Thảo