1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chánh án TAND Tối cao: “Không đẩy việc khó cho dân”

(Dân trí) - “Cái gì dân yêu cầu chính đáng thì phải tham gia giải quyết. Phải dành sự khó khăn về cho nhà nước, chứ không đổ hết khó khăn cho dân”, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình nói.

Chiều ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi. Tại đây, đa số các đại biểu tập trung có ý kiến về nội dung trong khoản 2, điều 4, dự thảo Luật Tố tụng dân sự sửa đổi đề cập đến việc tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nhận xét việc không bỏ qua bất cứ yêu cầu nào của dân rất phù hợp với sự tiến bộ của xã hội. “Tôi đồng ý quy định tòa án không được từ chối yêu cầu của dân khi chưa có điều luật quy định. Khi xem xét, xử lý các vấn đề pháp luật không quy định thì tòa án có thể áp dụng quy tắc chung của Hiến pháp, pháp luật. Đây là nguyên tắc tiến bộ để đảm bảo quyền, lợi ích của nhân dân”, đại biểu Dũng nói.

Đại biểu Trần Tiến Dũng cho ý kiến Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi
Đại biểu Trần Tiến Dũng cho ý kiến Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi (Ảnh Ngọc Châu)

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng tán thành quy định tại khoản 2 điều 4 của dự thảo Luật Tố tụng dân sự sửa đổi. Theo đại biểu, quy định như dự thảo đặt ra sẽ tháo gỡ những khó khăn cho nhân dân khi không biết kêu ai, hỏi ai.

“Tòa án được coi là biểu tượng cơ quan công lý mà còn từ chối nữa thì dân biết đi đâu. Tôi thấy tòa án từ chối vì cho rằng pháp luật không quy định thì cũng rất khó giải thích. Quy định này là đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của người dân”, đại biểu Nguyễn Thái Học nêu quan điểm.

Cuối buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mời Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình lên làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Tố tụng dân sự. Ông Bình cho biết, ý kiến đại biểu rất phong phú, đặt ra nhiều vấn đề có tính phản biện, tính khoa học rất cao.

Ông Bình cho biết, quyền yêu cầu tòa án bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân tại khoản 2, điều 4 gây ra nhiều tranh cãi, đại biểu cho ý kiến nhiều nhất trong dự thảo luật. “Cơ sở đặt ra điều đó vì Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân và bảo vệ lợi ích chính đáng của dân. Cái gì dân yêu cầu chính đáng phải tham gia giải quyết. Phải dành sự khó khăn về cho Nhà nước, chứ không thể đổ hết khó khăn cho dân”, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nói.

Đại biểu Trần Tiến Dũng cho ý kiến Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng nên dành việc khó về cơ quan Nhà nước (Ảnh Ngọc Châu)

Ông Bình cũng đề cập đến một trong những cơ sở để đưa quy định trên vào trong dự thảo Luật Tố tụng dân sự là vì Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự, trong đó quy định quyền, lợi ích hợp pháp của người dân nếu như bị vi phạm nhưng luật pháp chưa quy định thì cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp phải có biện pháp khắc phục, nếu chưa có thì mở rộng giải pháp khác.

Ngoài ra, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cũng đề cập đến những lo ngại của quy định được đại biểu chỉ rõ trong phiên thảo luận. “Trong đó, có những lo ngại nếu lợi dụng điều này để gây ảnh hưởng chính trị, xã hội thì xử lý thế nào. Tôi nghĩ rằng, điều này cần phải hết sức thận trọng để hạn chế xảy ra những vấn đề đại biểu nêu”, ông Trương Hòa Bình nói.

Ông Bình phân tích rõ thực tế nhiệm vụ của tòa án, ngoài việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp nhân dân còn phải bảo vệ chế độ chính trị. Do vậy, nếu phát hiện có sự lợi dụng quy định để khởi kiện, xâm phạm đến lợi ích xã hội thì phải từ chối, thậm chí xử lý nghiêm nếu như có hành vi trái pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, đa số báo cáo các Bộ ngành, tỉnh thành đều ủng hộ quan điểm tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự lý do chưa có điều luật để áp dụng. Ông Cường phân tích lý do quy định này trong dự thảo được ủng hộ cao vì phù hợp với Hiến pháp, thẩm quyền của tòa án. Ngoài ra, nó còn phù hợp với Bộ Luật dân sự hiện hành - nếu pháp luật không có quy định thì tòa án phải áp dụng tập quán...

Quang Phong