1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chàng trai không tay làm shipper “giải cứu” hàng tấn khoai môn của dân bản

(Dân trí) - Sau vụ thu hoạch, hàng tấn khoai môn của người Dao đỏ ở thôn Pạc Tà, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (Lào Cai) đối mặt với nguy cơ không biết tiêu thụ thế nào, nay đã được người con của quê hương làm shipper “giải cứu”.

Khoảng 2 tuần trở lại đây, chàng trai không tay người Dao đỏ Lý Minh Khang (tên thật là Lý Láo Lở, 32 tuổi, trú tại thôn Pạc Tà) luôn bận rộn với nghề giao hàng của mình.

Rong ruổi trên chiếc xe máy được thiết kế phù hợp với phần còn lại của đôi tay, chàng shipper chở những củ khoai môn đi khắp mọi phố, phường Hà Nội giao cho khách. Những củ khoai môn là nông sản sạch của người Dao đỏ trồng tại mảnh đất của xã A Mú Sung, giáp biên giới xa xôi.

 

Chàng trai không tay làm shipper “giải cứu” hàng tấn khoai môn của dân bản - Ảnh 1.

Chàng shipper không tay đã “giải cứu” hàng tấn khoai môn ở bản làng của mình (Ảnh: Nguyễn Trường).

 

Người dân không biết bán cho ai

Khoảng tháng 6/2018, người Dao đỏ ở thôn Pạc Tà bắt đầu canh tác thêm cây khoai môn trên đất dốc của đồi, núi. Trong một lần trở về quê hương, anh Khang tỏ ra ngỡ ngàng khi biết được sản lượng khoai môn của người dân có thể thu hoạch lại nhiều đến vậy.

“Ở trên đó, dân thường canh tác theo kiểu tự phát. Thấy nhà bên trồng gì là họ có xu hướng làm theo. Khi tôi hỏi sẽ tiêu thụ khoai môn như thế nào vì sản lượng rất lớn thì mọi người cho biết sẽ để lại ăn dần, do chưa có ai hỏi mua cũng chẳng biết bán bằng cách nào” - anh Khang nói.

Nhớ về việc trên mạng xã hội từng rao bán mặt hàng này với giá 35.000 đồng/kg nhưng không có nguồn gốc rõ ràng, trong khi đó, anh Khang nhẩm tính cộng các chi phí đi kèm thì lượng khoai môn của người dân ở bản khi bán với giá 25.000 đồng/kg đã có lãi.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề giao hàng, chàng trai người Dao đỏ đã quyết định đem nông sản của bản xuống Hà Nội tiêu thụ. Khi đăng bán trên Facebook cá nhân, các đơn hàng cứ dồn dập được đặt đối với mặt hàng khoai môn này.

“Tôi rất bất ngờ khi rao bán khoai môn lại được mọi người quan tâm, ủng hộ nhiều như vậy. 2 tuần qua, dù tôi đã đi giao từ sáng sớm đến tối mịt mới nghỉ nhưng không xuể do đơn hàng quá nhiều” - anh Khang nhoẻn miệng cười, chia sẻ.

Cũng theo anh Khang, đến thời điểm hiện tại anh đã tiêu thụ khoảng 2 tấn khoai môn được gửi xuống từ bản. Hàng ngày, dù cố gắng lắm nhưng một mình người shipper này chỉ giao được từ 25-30 đơn hàng. Anh Khang nhẩm tính vẫn còn hơn 400 đơn hàng chưa được giao cho mọi người, trong khi đó lượng khoai môn còn lại ở trên bản chỉ khoảng 1,5 tấn.

“Tôi xin được gửi lời cảm ơn tới mọi người khi đã ủng hộ nhiệt tình. Người dân ở quê vui lắm, liên tục gọi điện để hỏi han và có ý định sẽ tiếp tục trồng trong mùa vụ tới nếu mọi việc thuận lợi” - anh Khang chia sẻ thêm.

 

Chàng trai không tay làm shipper “giải cứu” hàng tấn khoai môn của dân bản - Ảnh 2.

Các đơn hàng cứ dồn dập được đặt khi sản phẩm khoai môn được anh Khang đăng bán trên Facebook cá nhân.

 

Ông Ma Seo Củi - Chủ tịch UBND xã A Mú Sung cho biết, bản người Dao đỏ ở thôn Pạc Tà có khoảng 30 hộ, bắt đầu trồng khoai môn khoảng 1 năm nay. Do số lượng khoai môn ít và chưa có nơi tiêu thụ nên bà con chỉ biết để lại trong nhà ăn dần. “Sang vụ mới, xã sẽ có chủ trương nhân rộng mô hình trồng khoai môn, tìm đầu ra để bà con canh tác ổn định” - Ông Củi nói.

Muốn mở 1 cửa hàng để tiêu thụ sản phẩm quê hương

Kể về nguyên nhân khiến đôi tay bị cắt cụt gần đến khuỷu, anh Khang cho biết sự việc xảy ra vào năm 2003 khi anh đang học lớp 8.

“Khi tôi đang vác thanh tuýp sắt để dựng sân khấu ở trường nội trú, do bất cẩn nên bị điện cao thế phía trên phóng xuống rồi ngất đi. Tỉnh dậy, tôi thấy mình đang ở trong bệnh viện và bác sĩ bảo phải cắt bỏ đôi tay đến gần khuỷu mới có thể cứu được tính mạng” - anh Khang nhớ lại.

Nhiều năm sau đó, cậu bé lớp 8 với đôi tay bị cắt cụt luôn thu mình trong nhà, không muốn tiếp xúc với ai vì mặc cảm, tự ti. Khoảng thời gian này, những việc sinh hoạt dù là nhỏ nhất đối với anh Khang đều cần sự hỗ trợ của người thân.

Được mọi người động viên, chàng thanh niên dần làm quen với việc không còn đôi tay, bắt đầu tự mình làm những việc đơn giản; tập viết chữ để có thể bắt đầu đi học lại.

“Tôi rất khâm phục nghị lực vươn lên của Khang, mất đôi bàn tay mà vẫn thi đậu và tốt nghiệp một trường đại học dưới Hà Nội” - Chủ tịch UBND xã A Mú Sung nói và cho biết, mẹ Khang mất khi anh còn rất nhỏ còn người bố vừa mất vào năm ngoái. Trước đó, bố Khang lấy thêm người vợ nữa nên Khang vẫn còn 1 người em trai ở quê.

 

Chàng trai không tay làm shipper “giải cứu” hàng tấn khoai môn của dân bản - Ảnh 3.

Lý Minh Khang giao dịch với khách hàng mua khoai môn.

 

Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn vào năm 2016, anh Khang đã lựa chọn mưu sinh ở Hà Nội, vì nếu về quê cũng không biết nên làm việc gì phù hợp.

Trải qua nhiều vị trí khác nhau, chàng trai không tay đã quyết định làm shipper cho một cửa hàng bán hoa quả sạch và gắn bó đến tận bây giờ.

“Ship hàng khó nhất là khâu chằng buộc hàng. Với đơn hàng to để chằng được rất vất vả. Còn việc di chuyển trên đường thì tôi quen rồi, không có gì khó đâu vì phần tay lái của xe máy đã được thiết kế cho phù hợp với đôi tay tôi” - anh Khang bộc bạch.

Chia sẻ về công việc hiện tại, anh Khang cho biết thu nhập từ nghề giao hàng đủ để việc mưu sinh ở Hà Nội không quá khó khăn. Tuy nhiên, anh không thể làm mãi nghề này được vì sức khỏe dần kém đi, đồng thời việc thường xuyên tham gia giao thông cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Sau khi bán hết số khoai môn còn lại, tôi vẫn đi giao hàng thêm một thời gian nữa, tích cóp 1 khoản vốn để mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Đồng thời, tôi sẽ khuyến khích người dân ở quê học tập mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch; trồng thực phẩm sạch. Khi đó, cửa hàng nhỏ bé ấy sẽ đồng hành cùng mọi người để tiêu thụ sản phẩm sạch của quê hương” - anh Khang chia sẻ.

Nguyễn Trường