1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khi nào di dời người dân sống gần khu bờ kè sạt lở Thanh Đa?

Q.Huy

(Dân trí) - Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, quận Bình Thạnh đã đề xuất phương án di dời 32 căn nhà tại tuyến bờ kè Thanh Đa bị sạt lở. Người dân được hỗ trợ kinh phí để ổn định cuộc sống trước mắt.

Hơn 8 tháng xảy ra tình trạng sụt lún một đoạn dài bờ kè Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) làm nhiều người phải di tản, đến nay, khu vực xảy ra sự cố vẫn chưa được sửa chữa hoàn chỉnh. Một số hộ dân sống gần điểm sạt lở vẫn chưa di dời vì một số vấn đề vướng mắc trong khi điểm sạt lở ngày càng lan rộng.

UBND quận Bình Thạnh cho biết, kết quả đánh giá quan trắc sau khi sự cố xảy ra cho thấy, hiện tượng sụt lún vẫn tiếp diễn. Nền của công trình vẫn tiếp tục sụt lún và trượt ra phía sông.

Khi nào di dời người dân sống gần khu bờ kè sạt lở Thanh Đa? - 1

Nơi xảy ra sự cố sạt lở bờ kè Thanh Đa gần 1 năm trước tiếp tục trượt ra phía sông (Ảnh: Hải Long).

Đầu tháng 4 vừa qua, Sở GTVT và UBND quận Bình Thạnh tiếp tục đánh giá lại và ghi nhận, vị trí sụt lún trước đây xuất hiện các vết nứt 10-20cm dọc tuyến. Tuyến kè nhà các hộ dân đã di dời bị mất ổn định, có dấu hiệu nghiêng, sụt lún nặng hơn và có nguy cơ sụp đổ.

Các căn nhà liền kề khu vực bị ảnh hưởng cũng có dấu hiệu sụp lún, nứt tường và có nguy cơ sạt lở về phía sông khi gặp thời tiết bất lợi.

Trong bối cảnh mùa mưa bão sắp đến, nhà của 32 hộ dân dọc tuyến kè từng gặp sự cố có thể sạt lở về phía bờ sông bất kỳ lúc nào. Quận Bình Thạnh đã chỉ đạo chính quyền phường cùng các đơn vị nhanh chóng di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, cắt cử lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở người dân.

Khi nào di dời người dân sống gần khu bờ kè sạt lở Thanh Đa? - 2

Khoảng 32 hộ dân vẫn đang sinh sống tại khu vực chịu ảnh hưởng của vụ sạt lở (Ảnh: Hải Long).

Sau các buổi làm việc vừa diễn ra trong tháng 4, UBND quận Bình Thạnh và Sở GTVT thành phố đã thống nhất đề xuất, kiến nghị UBND TPHCM thực hiện phân kỳ các dự án tại khu vực bờ kè Thanh Đa sụt lún.

Trong giai đoạn 1, các đơn vị sẽ xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa tại phường 25, quận Bình Thạnh, để ổn định nền đất. UBND quận Bình Thạnh sẽ thực hiện sơ tán, di dời người, tài sản tại 32 căn nhà dọc tuyến kè sạt lở. 

Trong giai đoạn này, quận sẽ khảo sát, kiểm tra, đánh giá hư hỏng nhà ở, vật kiến trúc, thống kê quy mô, diện tích, kết cấu công trình, vật kiến trúc để làm cơ sở thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi dự án được duyệt. Người dân sẽ được hỗ trợ kinh phí để ổn định cuộc sống trước mắt khi chờ có nơi tái định cư mới hoặc khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt.

Trong giai đoạn 2, Sở GTVT TPHCM chủ trì, phối hợp với quận Bình Thạnh xây dựng đường giao thông dọc tuyến kè. Tuyến đường có lộ giới 16m, kết nối ra đường Ung Văn Khiêm.

Vào ngày 22/6/2023, Trung tâm Quản lý đường thủy phát hiện và ghi nhận trên hành lang mặt kè (lát gạch con sâu) xuất hiện một số vị trí gạch bị bong tróc và sụt lún nhỏ.

Từ ngày 24/6/2023 đến 26/6/2023, khu vực này xảy ra sụt lún, công trình kè và khu vực tiếp giáp kè bị dịch chuyển vị trí (chuyển vị).

Cụ thể, đỉnh kè chuyển vị ra phía kênh theo phương ngang (vị trí xa nhất) khoảng 1,5m so với tim tuyến kè thiết kế ban đầu. Đồng thời, mặt đất bị lún theo phương đứng (vị trí sâu nhất) là khoảng 0,8m so với cao độ đỉnh kè thiết kế. Toàn phạm vi kè hứng chịu chuyển vị dài khoảng 120m, rộng 10m.

Sau đó, từ ngày 27/6/2023 đến 8/7/2023, qua quan trắc Trung tâm Quản lý đường thủy ghi nhận hiện tượng sụt lún, chuyển vị tiếp tục diễn biến phức tạp. 

Tình trạng trên gây thiệt hại về tài sản của 15 hộ dân ven kênh, đa số nhà cửa bị nứt tường, lún và nghiêng ra phía kênh, có thể bị sạt lở về phía sông bất cứ lúc nào; bên cạnh đó cũng thiệt hại về công trình hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm