"Chẳng bác sĩ nào muốn giữ bệnh nhân lại để chết"
(Dân trí) - Khuyên người dân không nên quá nôn nóng việc chuyển lên tuyến trên khi vừa vào viện, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ với những người làm ngành y, không ai muốn giữ bệnh nhân để bệnh nhân chết.
Quan điểm này được đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ với cử tri xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), trong buổi tiếp xúc sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ngày 11/7.
Đặt niềm tin vào bác sĩ tuyến cơ sở
Lắng nghe phản ánh của cử tri về việc chậm được giải quyết thủ tục chuyển viện lên tuyến trên cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ với tâm lý này.
Ông cho biết ngoài là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ông còn là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương - là một tỉnh rất khó khăn về y tế. Bởi vậy, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu rất hiểu tâm lý của người dân khi có người vừa vào đến cổng viện đã yêu cầu được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).
"Thực tế, có người vừa vào cổng viện cấp cứu, chưa cần nói ngược nói xuôi gì là đòi chuyển viện luôn. Chúng tôi còn lập cả đường dây nóng với Bệnh viện Chợ Rẫy, kết nối qua camera cho người nhà bệnh nhân nói chuyện với bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy để nghe bác sĩ khuyên có nên chuyển viện hay không", bác sĩ Hiếu kể lại.
Ông cho biết với tâm lý "còn nước còn tát", nhiều người nhà bệnh nhân nhất quyết thuê chuyến xe 5 triệu đồng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng lên không giải quyết được gì, vậy là mất thêm tiền thuê xe đưa bệnh nhân về.
Đưa ra lời khuyên, bác sĩ Lân Hiếu cho rằng bệnh nhân và người nhà nên tin tưởng vào chuyên môn của bác sĩ, kể cả bác sĩ tuyến huyện, tuyến cơ sở.
"Anh em chúng tôi làm ngành y, chúng tôi không muốn giữ bệnh nhân để bệnh nhân chết, chẳng có bác sĩ nào làm thế cả. Chỉ có thể là bệnh nặng quá bác sĩ khuyên đừng chuyển đi, hoặc bệnh nhẹ thì khuyên để lại chữa trị", bác sĩ Hiếu chia sẻ.
Ông phân tích thêm, chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên có khi "hại nhiều hơn lợi". Ví dụ, đi trên đường chẳng may có chuyện xảy ra, ai chịu trách nhiệm? Hơn nữa, các bệnh viện tuyến trên đều đông đúc, quá tải.
Đưa ra giải pháp cho câu chuyện này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng trung tâm y tế huyện cần phối hợp chặt chẽ với bệnh viện tuyến trên bằng cách kết nối tư vấn, khám chữa bệnh từ xa.
Ông nhấn mạnh hệ thống Telehealth để kết nối, tư vấn và chẩn đoán và khám chữa bệnh từ xa hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, phải cố gắng trang bị cho bệnh viện tuyến huyện hệ thống lưu trữ hình ảnh để có thể chuyển liên thông lên các bệnh viện tuyến trên.
"Bà con sợ nhất chẩn đoán sai, sợ bệnh viện tuyến huyện không đọc được thì những hình ảnh chụp chiếu sẽ được đưa lên hệ thống để bác sĩ tuyến Trung ương hỗ trợ đọc và chẩn đoán bệnh", bác sĩ Hiếu cho rằng nếu như vậy, người dân sẽ yên tâm ở lại y tế tuyến cơ sở để điều trị.
Cần chương trình tổng thể để nâng cao y tế tuyến huyện
Lắng nghe ý kiến của cử tri Trần Văn Thường ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) về đề xuất người dân có thẻ BHYT có thể được nhập tất cả bệnh viện trên cả nước, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu khẳng định trên thế giới, các nước phát triển cũng không thể làm được điều này.
Ông dẫn chứng một nước phát triển như Trung Quốc cũng phân biệt rất rõ nếu vào mổ ở bệnh viện Bắc Kinh, bảo hiểm sẽ chi trả bao nhiêu, còn ở bệnh viện Thượng Hải sẽ chi trả bao nhiêu.
"Nếu dùng thẻ BHYT đi viện nào cũng được thì Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy hay Đại học Y Hà Nội không thể làm nổi vì số bệnh nhân đến sẽ rất đông. Trong khi đó, bệnh viện tuyến dưới không có bệnh nhân, tay nghề bác sĩ bệnh viện tuyến dưới cũng sẽ ngày càng kém đi", ông Hiếu phân tích.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh việc bảo đảm chữa bệnh theo vùng, theo địa phương rất quan trọng và cần duy trì phương thức này.
Chia sẻ thêm với kiến nghị của cử tri về việc đầu tư cho y tế cơ sở, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu khẳng định đầu tư y tế cơ sở rất quan trọng vì tuyến huyện là tuyến gần người dân nhất nhưng đang kém nhất trong toàn hệ thống y tế.
Dẫn câu chuyện từ thực tế, ông Hiếu cho biết Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nơi ông làm Giám đốc đã hỗ trợ bệnh viện tuyến huyện ở Lào Cai trong hơn 2 năm qua và đã cho thấy những con số ấn tượng, đặc biệt, tỷ lệ chuyển tuyến giảm hơn 30%.
"Khi y tế tuyến huyện được đầu tư tốt, tất cả đều hạnh phúc. Người dân không phải đi xa, bác sĩ tuyến huyện có bệnh nhân, có thêm thu nhập để yên tâm làm việc, và bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương không bị quá tải", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Ông cho rằng còn cái khó là không có chính sách đồng bộ do các địa phương có nơi có điều kiện nhưng cũng nhiều tỉnh khó khăn, không có ngân sách đầu tư cho việc này. Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cần có chính sách chung trên cả nước và cần một chương trình tổng thể để nâng cao y tế tuyến huyện trên toàn quốc.