Chân dung người lính họ Phan qua hồi ức của mẹ và em gái

(Dân trí) - “Con tôi đã ngã xuống trong chiến tranh. Bao năm qua, hình ảnh, tiếng nói… như còn hiện hữu. Giờ đây, nghe tin cựu binh Úc giữ cuốn nhật ký thơ và chiếc khăn của con, tôi không khỏi bất ngờ. Gia đình mong mỏi được nhận lại những kỷ vật ấy”.

Đó là tâm sự của bà Nguyễn Thị Hiểu (85 tuổi, quê ở ấp 2, xã Long An, Long Thành, Đồng Nai) khi nói về đứa con trai của mình, liệt sĩ Phan Văn Bần, tác giả của bài thơ xúc động: “Lá thư xuân”.

Chân dung anh bộ đội cụ Hồ qua hồi ức của người mẹ

Chúng tôi tìm về với bà Hiểu trong một buổi chiều nhạt nắng. Căn nhà cấp 4 nơi bà đang ở một mình không hề quạnh vắng. Tuổi già của bà được bù đắp bằng tình yêu thương và tiếng cười con trẻ. Các con của bà lớn lên, lập gia đình nhưng phần lớn quần tụ bên bà, lấy sân nhà bà làm trung tâm cho cả đại gia đình.

Bà có tổng cộng 9 người con gồm: Phan Thành Nhơn, Phan Văn Nghĩa (đều hy sinh trong chiến tranh), một con gái bị bệnh mất lúc nhỏ, Phan Thị Thúy (SN 1956), Phan Thị Phước (SN 1958), Phan Thành Được (SN 1960), Phan Thị Vẹn (SN1964), Phan Thanh Tuyền (SN 1966) và Phan Thị Bạch Tuyết (SN 1972).

Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng bà vẫn minh mẫn. Ký ức về đứa con trai hy sinh trong chiến tranh vẫn còn hiển hiện. Bà nhớ rõ và kể không sót một chi tiết nào dù rất nhỏ.

Bà kể rằng, năm tháng qua đi nhưng hình ảnh về những đứa con hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vẫn còn in trong tâm trí. Con mình sinh ra mà mất đi, ai mà không đau như cắt bỏ từng nhúm ruột. Nhưng con bà hy sinh khi làm nghĩa vụ thiêng liêng thì cái chết đấy đã trở thành bất tử. Chỉ có điều làm bà buồn nhất là thi hài của liệt sĩ Phan Thành Nhơn vẫn chưa được tìm thấy. Hồi ức đau thương ấy đôi khi bà cố quên đi để thanh thản trong lòng. Vậy mà, mới đây có 2 anh công an đến nhà báo cho bà biết tin một cựu binh Úc đang lưu giữ cuốn nhật ký bằng thơ và chiếc khăn choàng của anh Nhơn làm miền ký ức của bà trỗi dậy.

Bà nói rành rõi, con trai tôi tên Phan Thành Nhơn. Khi đi chiến trường lấy tên là Phan Văn Bền. Có thể, khi vào quân ngũ, Bền đổi tên lần nữa thành Phan Văn Ban. “Thằng Nhơn nhà tôi dáng người tròn tròn, lùn lùn. Tính tình hiền lành, nhanh nhẹn lắm. Thằng thứ 7 (tức anh Được – PV) bây giờ giống thằng Nhơn như đúc”, bà kể.
 
Chân dung người lính họ Phan qua hồi ức của mẹ và em gái
Điều khiến người mẹ này đau đáu nhất là thi hài đứa con trai hy sinh trong chiến tranh đến nay vẫn chưa được tìm thấy

Những năm 1966-1970, quân giặc tràn vào khu vực Long Thành chiếm đóng. Thanh niên địa phương hăng hái vào quân đội. Anh Nhơn cũng vậy. Anh đi vì tiếng gọi đời trai, vì sự căm thù quân giặc đã gây ra cái chết cho em của mình, liệt sĩ Phan Văn Nghĩa. Có những đêm khuya, anh Nhơn về thăm ba mẹ và đàn em nhỏ trong tích tắc rồi lại đi.

“Tôi nhớ, hôm đó là đêm Trung thu (8/1970), Nhơn bất ngờ về nhà thăm em. Hắn rọi đèn pin khắp căn hầm tìm mặt mày mấy đứa em. Hắn hỏi tôi: “Má có mua bánh trung thu cúng không?”. Tôi bảo có, bánh để trên bàn thờ. Hắn lấy bánh ra cùng mấy đứa em ăn rồi đi vào rừng trở lại. Nhưng tôi đâu ngờ lần đó con tôi đi mãi mãi không về”, người mẹ già nhớ lại.

Khi anh Nhơn mất, 5 ngày sau đồng đội mới báo về. Do giao tranh ác liệt nên mảnh đất quê hương, nơi anh nằm xuống bị bom đạn cày xới, việc tìm thi hài anh cũng vô vọng từ đó đến nay.

“Con tôi chết vào tháng 8 năm 1970 chứ không phải 1969. Ông cựu binh Úc nói con tôi chết 3/1969, nhưng thực ra đó là thời gian ông ấy tham gia trận đánh vào Long Thành. Sau đó, ông lấy ba lô của Nhơn đi, rồi cứ nghĩ Nhơn chết trong trận đánh đó nhưng thực ra không phải vậy”, bà Hiểu kể lại.

Tình yêu của người lính phảng phất trong thơ

Trở lại thông tin cựu binh Úc, ông Wildeboer, giờ đây đã 64 tuổi và đang sống ở Kyneton. Ông đã từng tham chiến tại Việt Nam trong cuộc chiến mà ông gọi là phi nghĩa. Trong một lần tràn vào Long Thành, Đồng Nai chiếm đóng, Wildeboer đã lấy đi quân trang của một bộ đội Việt Nam. Trong ba lô đó, Wildeboer phát hiện có một cuốn nhật ký bằng thơ và chiếc khăn choàng.

Chiến tranh kết thúc, ông trở về Úc và mang theo những kỷ vật thời chiến đó bên mình. Dù không hiểu được câu chữ trong cuốn nhật ký nói gì nhưng nhìn nét chữ mềm mại, mượt mà và những hình vẽ, Wildeboer cho rằng đó là những tâm tư, tình cảm lắng lại của anh bộ đội cụ Hồ sau những quãng đường dài hành quân mệt mỏi. Hiểu được ý nghĩa thiêng liêng ấy, 43 năm qua, Wildeboer đã cất giữ những kỷ vật ấy như báu vật. Wildeboer mong một ngày trở lại Việt Nam, trả lại cho mẹ của người chiến sĩ ấy những gì thuộc về con trai bà. Ông hi vọng bà sẽ được an ủi phần nào và bản thân ông sẽ được thanh thản đôi chút.

Dù chưa được tận mắt nhìn thấy, tận tay chạm vào những nét chữ trong cuốn nhật ký nhưng khi đọc những dòng thơ trong bài: “Lá thư xuân” được trích đăng, bà Hiểu và con gái bà - em gái liệt sĩ Nhơn - rưng rưng xúc động.
 
Chân dung người lính họ Phan qua hồi ức của mẹ và em gái
Gia đình liệt sỹ họ Phan mong muốn sớm được nhận lại những kỷ vật của anh

Cô Phan Thị Thúy, là con gái thứ 4 của bà Hiểu, cũng từng đi bộ đội trong những ngày sục sôi cách mạng. Những kỷ niệm về anh trai, liệt sĩ Phan Thành Nhơn vẫn không phai mờ trong tâm trí cô. Cầm bản in của bài báo Dân trí viết về liệt sĩ Phan Thành Nhơn và những bài thơ của anh, cô Thúy bồi hồi. Cô không ngờ anh mình có thể viết nên những vần thơ đẹp như vậy. “Anh Nhơn học hết lớp nhất, lớp nhì gì đó rồi vào bộ đội. Có lẽ vào trong rừng, tay súng chắc tay nhưng ảnh học thêm, luyện viết nên chữ đẹp và thơ hay như thế”, cô Thúy nói.

“Anh Nhơn đánh Mỹ giỏi. Ảnh có giấy khen đánh Mỹ. Ảnh đem giấy khen về nhét vào cục gạch 4 lỗ, bít lại bằng xi măng rồi để dưới chân ông địa cho giặc khỏi phát hiện. Khi chết, ảnh đã là trung úy quân đội nhân dân Việt Nam”, cô Thúy nói tiếp.

Hình ảnh cô gái trong bài thơ “Lá thư xuân”, theo em gái của tác giả có thể đó là một trong 2 cô gái cùng xóm ngày ấy. Cô Thúy kể, lúc trước, cuộc sống người dân bám lấy ruộng đồng. Hàng ngày, thanh niên nam nữ thi nhau cấy lúa. Anh Nhơn cấy lúa rất nhanh, thẳng hàng. Anh trắng trẻo, đẹp trai, tính anh hiền lành, nói chuyện có duyên nên nhiều cô gái “chết mê chết mệt”. “Anh Nhơn hay hát hò và đặc biệt là có tài… ghẹo gái. Ảnh có 2 người yêu là chị Nguyệt và chị Cúc nhưng không biết bài thơ này ảnh viết tặng riêng cho ai. Tôi nghi là ảnh viết cho chị Nguyệt”, cô Thúy kể. Những người xưa của anh Nhơn giờ tóc đã pha sương, con cái đuề huề; riêng người phụ nữ tên Cúc ấy thì đã mất cách đây 2-3 năm.

Giải thích tính hợp lý về địa danh trong 2 câu thơ: “Ngoài quê hương em đang rét run người/ Xuân trong này cũng lạnh lắm em ơi”, cô Thúy cho rằng đó là tác giả đang nói đến quê nhà (ngoài ấy) và trong rừng (trong này) chứ không phải ngoài Bắc, trong Nam. Ngày đó, trong rừng, chủ yếu là rừng tre là nơi bộ đội ẩn nấp và quê nhà cách nhau có 5-7km nhưng đôi khi vì khói lửa chiến tranh, cứ ngỡ xa nhau vạn dặm.

“Gia đình đang rất hồi hộp để đón nhận những kỷ vật của anh Nhơn. Chưa biết ông cựu binh trao chiếc khăn là khăn tay hay khăn quấn cổ nhưng tôi nhớ lúc đó, anh Nhơn có quấn cái khăn quàng cổ màu hồng”, cô Thúy tâm sự.

Còn người mẹ 85 tuổi Nguyễn Thị Hiểu tay mân mê tấm bằng Tổ quốc ghi công của đứa con trai, vừa trải lòng: “Bao năm qua tôi cứ canh cánh mãi trong lòng việc tìm lại hài cốt con trai nhưng vô vọng. Giờ nghe tin có người còn lưu giữ những kỷ vật của con mình, tôi rất mong muốn được sớm nhận lại. Những kỷ vật ấy sẽ phần nào an ủi cho tôi vơi nỗi nhớ thương con trước khi mình nhắm mắt”.

Công Quang