1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chậm khắc phục sự cố sau lũ, đập thủy điện đối mặt nhiều rủi ro

(Dân trí) - Sự cố cửa van cung xả lũ không mở trong trận lũ tháng 10/2010 khiến đập thủy điện Hố Hô bị hư hỏng nặng. Việc khắc phục chậm trễ trong khi mùa mưa bão đã ở ngay trước mặt khiến công trình thủy điện này phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khó lường.

Như Dân trí đã thông tin, sự cố cửa van cung tràn xả lũ không mở trong trận lũ lịch sử đầu tháng 10/2010 đã khiến Nhà máy thủy điện Hố Hô (xã Hướng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) bị thiệt hại hết sức nặng nề. Thác lũ từ trên cao dội thẳng xuống khiến hầu hết các thiết bị, đặc biệt là hệ thống phần mềm điều hành của nhà máy phát điện đặt ngay dưới chân đập, bị cuốn phăng hoặc hư hỏng; trạm biến áp, hệ thống đường cột điện, dây dẫn cũng bị gãy đổ ngổn ngang; tình trạng sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến sự an toàn của thân đập.
 
Chậm khắc phục sự cố sau lũ, đập thủy điện đối mặt nhiều rủi ro - 1
Sự cố khiến nhà máy vừa sản xuất điện được hơn 4 tháng đã phải ngưng hoạt động, con số thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Sau sự cố nói trên, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Miền bắc 1, chủ đầu tư dự án, đã đặt quyết tâm sẽ đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả để sau khoảng hơn 4 tháng nhà máy có thể phát điện trở lại.

Thế nhưng đến nay đã gần một năm, tiến độ khắc phục vẫn diễn ra rất chậm. Mùa mưa bão đã bắt đầu nhưng hầu hết các hạng mục cửa xả tràn, gia cố vai thân đập, nhà máy phát điện, trạm biến áp vẫn đang còn hết sức ngổn ngang hoặc chưa được lắp ráp, thi công.
 
Chậm khắc phục sự cố sau lũ, đập thủy điện đối mặt nhiều rủi ro - 2
Việc gia cố bờ vai thân đập vẫn đang được gấp rút thi công. Dự kiến hạng mục này phải hơn một tháng nữa mới hoàn thành.
 
Dù là đập chịu lực kiên cố nhưng sự cố tràn xả lũ không mở được trong trận lũ năm trước đã để lại nỗi lo lớn về mức độ an toàn của thân đập do tình trạng xói lở nặng nề ở hai bờ vai cũng như kết cấu địa chất được đánh giá là phức tạp. Sau lũ, chủ đầu tư dự án đã khẩn trương thực hiện gia cố thân đập bằng giải pháp khoan đá phụt xi măng tạo tường chịu lực, với thời gian hoàn thành dự kiến trước mùa mưa bão năm nay. Nhưng mục tiêu này hiện vẫn chưa hoàn thành.
 
Ông Nguyễn Nhân Thế, Giám đốc điều hành nhà máy thủy điện Hố Hô cho hay, hiện hạng mục gia cố bờ vai đập mới chỉ đạt 70% khối lượng và phải mấy ít nhất hơn một tháng mới hoàn tất.
Chậm khắc phục sự cố sau lũ, đập thủy điện đối mặt nhiều rủi ro - 3
 Bờ ta luy, hàng rào chắn trên thân đập đang thi công dở
 
Hai hạng mục quyết định trực tiếp đến thời gian vận hành nhà máy trở lại gồm hệ thống phần mềm điều hành và trạm biến áp hiện cũng không được lắp ráp hoặc thi công như mục tiêu đặt ra. Sau sự cố đã nêu hơn 50% thiết bị phần mềm điều hành bị hư hỏng nặng, buộc chủ đầu tư phải gần như nhập mới hoàn toàn từ đối tác phía Trung Quốc. “Do đối tác chưa bàn giao thiết bị nên đến thời điểm này nhà máy chưa thể lắp ráp hạng mục này” - ông Thế cho biết. 
 
Chậm khắc phục sự cố sau lũ, đập thủy điện đối mặt nhiều rủi ro - 4
Hệ thống phần mềm trong nhà điều hành chưa được lắp ráp khiến Nhà máy thủy điện Hố Hô còn ngưng hoạt động một thời gian dài 
 
Trong khi đó, bờ kè bảo vệ con đường lên Nhà máy và chân đập vốn bị dòng nước lũ xoáy cuốn phăng vẫn chưa được gia cố, vá lại. Nước hạ chân đập thoát đi để lộ rõ những rọ đá chỏng chơ, chỉ cần một sự cố tương tự, cả tuyến bờ kè còn lại chắc chắn sẽ bị cuốn trôi.
 
Chậm khắc phục sự cố sau lũ, đập thủy điện đối mặt nhiều rủi ro - 5
 Bờ kè sạt lở sau sự cố tràn đập tháng 10/2010...
 
Chậm khắc phục sự cố sau lũ, đập thủy điện đối mặt nhiều rủi ro - 6
sau gần một năm vẫn chưa được khắc phục.
 
Với tiến độ khắc phục như trên, ông Đỗ Thế Ngân, Trưởng ban pháp chế Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Miền bắc 1, người vừa được giao chỉ đạo hoạt động của Nhà máy thủy điện Hố Hố cho hay, tiến độ khắc phục sự cố chậm nên theo tính toán sớm nhất cũng phải tới cuối năm 2011 nhà máy mới hoạt động trở lại. 

Việc khắc phục chậm, nhà máy chưa vận hành trở lại đã khiến chủ đầu tư dự án thiệt hại không nhỏ và trên hết là những hiểm nguy rình rập. Ông Ngân cho hay, nhà máy chưa hoạt động có nghĩa là hoạt động kinh doanh của nhà máy bị đình trệ; thiệt hại ước tính không dưới 3 tỷ đồng/tháng.

Bên cạnh đó, nếu tái xuất hiện thời tiết xấu, mưa lũ lớn thì nguy cơ sạt lở gia tăng, tiếp tục làm gián đoạn tiến độ thi công các hạng mục nói trên.

Văn Dũng - Đặng Tài