Quảng Ngãi:
Cha con “người rừng” ngày đầu về với cuộc sống văn minh
(Dân trí) - Trở về từ rừng xanh, sức khỏe người cha Hồ Văn Thanh (82 tuổi) suy yếu, đang được điều trị tại bệnh viện. Người con Hồ Văn Loan (41 tuổi) đoàn tụ cùng gia đình người bác ruột nhưng vẫn còn rụt rè sợ hãi và im lặng.
Muốn bỏ trốn về rừng
Người con Hồ Văn Loan nhìn đã tươm tất hơn trong bộ quần áo của người anh họ
Người dân và chính quyền tới thăm hỏi "người rừng"
Anh Hồ Minh Lâm (44 tuổi) cho biết: “Đưa chú và em đoàn tụ cùng gia đình, thấy hai cha con đều xa lạ với mọi người, sợ đến nơi đông người, sợ cả đi xe máy nên chúng tôi đã dẫn em Loan đi bộ từ rừng về nhà”.
Trong căn nhà gạch ngói hoàn toàn khác lạ với căn lều dựng trên cây của mình, anh Loan thấy mọi thứ đều lạ lẫm. Bởi từ lúc mới 1 tuổi, anh đã được người cha bế vào rừng sống tách biệt với con người. Suốt 40 năm qua, anh Loan chỉ biết bốn bề là rừng xanh bạt ngàn, cuộc sống hoang dã, nguồn thức ăn chính từ củ mì, bắp và lá cây. Hôm nào may mắn gặp thú rừng hai cha con mới có thịt ăn.
Anh Hồ Minh Lâm cho biết thêm, về lại với cuộc sống đời thường, hai cha con ông Thanh đều thấy xa lạ, không nói gì với người lạ. Các bác sĩ kết luận ông Thanh chỉ bị suy nhược cơ thể, nằm điều trị và truyền nước vài ngày là khỏe lại, chứ không mắc bất cứ bệnh lý nào.
Sinh tồn nơi hoang dã
Quan sát toàn bộ vật dụng của hai cha con “người rừng”, nhiều người khá ngạc nhiên trước những đồ dùng, dụng cụ tự chế như xoong nồi, dao, búa rìu, áo, khố, lược, địu…
Thông qua anh họ Hồ Minh Lâm, PV Dân trí có dịp tìm hiểu cuộc sống của hai cha con “người rừng” trong suốt 40 năm qua. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên trong rừng, họ tự tìm kiếm cây mì, bắp, lúa để trồng lấy nguồn lương thực. Anh Lâm cho biết, thi thoảng người em Hồ Văn Loan đi xuống những đám rẫy trồng mì, bắp và ruộng lúa hái trộm một ít hạt về trồng gần nơi ở.
Chiếc áo tự dệt bằng vỏ cây
Ngôi nhà dựng trên độ cao 6m
Nhiều người tò mò tìm hiểu cuộc sống của hai cha con "người rừng"
Vì bản năng sinh tồn, hai cha con ông Thanh còn chế tạo được các loại giỏ, gùi, rổ đựng đồ, ống tre cất hạt giống và thuốc quý, chiếu nằm, áo, ô che mưa,… Căn lều được dựng bằng cây ở trên cao khoảng 6m. Đây là nét đặc trưng của người đồng bào thiểu số nhằm tránh bị thú dữ xâm hại.
“Với bản tính sinh tồn, từ lúc sinh ra, người đồng bào như chúng tôi luôn biết tự nuôi bản thân. Hai cha con chú Thanh đã làm được điều đó ở nơi hoang dã. Niềm vui sướng nhất khi hai người trở về vẫn khỏe mạnh, không bị bệnh tật gì”, anh Hồ Minh Lâm không giấu được niềm vui.
Theo các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa huyện Tây Trà, cả hai cha con “người rừng” đều không mắc chứng bệnh nào. Tuy nhiên để thích nghi cuộc sống hiện tại, hai cha con cần có thời gian dài, đồng thời cần được người thân, chính quyền quan tâm và tạo điều kiện sinh sống.
PV Dân trí sẽ tiếp tục chuyển với bạn đọc diễn biến cuộc sống của hai cha con “người rừng”
Hồng Long