Cây muỗm 600 năm tuổi có nguy cơ chết khô vì bị quây bê tông quanh gốc
(Dân trí) - Cây muỗm 600 năm tuổi ở thôn Ngọc Tỉnh (Bắc Ninh) như một cọc tiêu cho người dân định hướng mỗi khi đi xa trở về làng. Cây hiện đang có nguy cơ chết dần vì được cho là bị bê tông hóa quanh gốc.
Theo website của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cây muỗm ở thôn Ngọc Tỉnh (Thuận Thành, Bắc Ninh) ước tính 600 năm tuổi, được gắn biển Cây di sản Việt Nam năm 2013.
Cây cao khoảng 20 m, tán có hình mâm xôi tròn rất đẹp. Phần thân gốc xù xì, to lớn, ước tính 4 người ôm mới xuể. Rễ cây lan rộng, ăn sang khắp các thửa ruộng lân cận.
Bà Nguyễn Thị Miền (bên phải) cho biết, trước đây vào ngày mùa người dân đi làm đồng về nghỉ ngơi bên gốc cây muỗm chật kín, ngồi cả xuống dưới ruộng. Tối đến, người dân lại vác chiếu ra ngồi hóng mát và trò chuyện rồi mới về đi ngủ.
Các cành, nhánh xòe rộng tỏa ra xung quanh, la đà xuống sát mặt đất. Có những cành vươn xa 20-30 m như những cánh tay nghều ngòao nâng đỡ bọn trẻ tinh nghịch đứng lên lưng trâu, rồi trèo lên cây chứ không trèo từ gốc.
Mọc giữa cánh đồng rộng lớn, là nơi duy nhất mang lại bóng mát cho người dân đi làm đồng, cây muỗm được tôn trọng và gọi bằng "cụ". Đây cũng là vị trí đắc địa, nơi giao lưu giữa 3 tỉnh: Bắc Ninh - Hưng Yên và TP. Hà Nội.
Anh Lê Doãn Điệp ở thôn Ngọc Tỉnh cho biết, mỗi lần nhìn những cành, nhánh cây lại gợi biết bao kỷ niệm thời thơ ấu. Anh Điệp đã chứng kiến có những cành mới nhú lúc thuở niên thiếu, sau 20 năm nhìn lại cũng chỉ cao hơn đầu người.
Cách đây ít năm một con đường bê tông được xây dựng, các lối mòn ngoài cánh đồng ngoằn nghèo nay đã phẳng phiu dễ đi hơn, một vòng tròn bê tông cũng đã bao quanh phần gốc.
Rất nhiều người dân ở Ngọc Tỉnh khẳng định, từ khi có con đường bê tông, cây muỗm cứ héo hắt dần, lá lưa thưa, thiếu sức sống. Ngồi hóng mát dưới gốc cây cứ một lúc là phải chạy chỗ vì bóng nắng chiếu xuyên qua kẽ lá.
Anh Lê Doãn Điệp đi làm ăn xa một thời gian lúc về quê nhìn thấy con đường anh đã đóng góp ý kiến cứu cây, phá bỏ một nửa vòng cung bê tông để cây "thở" và lấy chất dinh dưỡng từ đồng ruộng xung quanh.
Với những người cao tuổi nơi đây, khi sinh thời đã thấy cây muỗm to cao bề thế, và nhiều thế hệ cha ông cũng không ai biết cây được trồng từ khi nào.
Theo người dân con đường bê tông mới làm có thể đã tạo ra sự ngăn cách giữa ruộng với cây, làm mất đi sự tự nhiên vốn có từ bao đời nay.
Anh Điệp cho biết, để cành cây phát triển thế này cũng mất hàng chục năm, từ lúc anh còn là đứa trẻ nghịch ngợm, nay đã 44 tuổi.
Cây muỗm có tên khoa học là Mangifera foetida Lour, thuộc họ đào lộn hột, có tại Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Quả giống hệt với xoài, hương vị cũng tương tự nhưng khi ăn có vị chua hơn nhiều.
Người dân lo lắng cây sẽ chết dần chết mòn, đã từng có thời điểm phải mua phân bón cho cây và chế độ chăm sóc đặc biệt, cây mới tiếp tục sống đến hôm nay.
Cây muỗm vẫn sừng sững giữa cánh đồng Ngọc Tỉnh, song không còn được sum sê như trước nữa.