1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Cây lim gần 700 tuổi, báu vật ở Vườn quốc gia Bến En

Thanh Tùng

(Dân trí) - Ở Vườn quốc gia Bến En (tỉnh Thanh Hóa) có một cây lim xanh gần 700 tuổi mọc sừng sững giữa đại ngàn.

Cây lim xanh (tên khoa học là Erythrophleum fordii) cổ thụ này nằm cạnh tuyến đường tỉnh 520C, đoạn qua địa phận giáp ranh 2 xã Xuân Khang (huyện Như Thanh) và Tân Bình (huyện Như Xuân), tỉnh Thanh Hóa. Nhìn từ xa, cây lim mọc sừng sững giữa đại ngàn.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn phát triển sinh vật và môi trường rừng (thuộc Vườn quốc gia Bến En) cho biết, năm 2022, cây lim xanh được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Cây lim gần 700 tuổi, báu vật ở Vườn quốc gia Bến En - 1

Cây lim xanh nằm cạnh đường tỉnh 520C (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo hồ sơ đo đạc, cây lim này 686 tuổi, cao gần 29m, đường kính tán 20m, chu vi áp sát thân cây 6,3m, vị trí cách mặt đất 1,3m có chu vi 5,6m.

Ông Hải cho biết, khoảng thập niên 90 của thế kỷ XX, trước khi có quyết định thành lập Vườn quốc gia Bến En, khu vực cây lim di sản ngày nay là nơi khai thác chính của 2 lâm trường Như Xuân và Sông Chàng. Thời điểm đó, các loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao (lim xanh, gội) bị khai thác cạn kiệt. Cây lim xanh di sản là cây còn sót lại duy nhất, từng bị cắt một phần ở gốc.

"Do cây lim này thuộc địa phận giáp ranh 2 xã Xuân Khang và Tân Bình, nên từng xảy ra tranh chấp. Nhưng vì cuộc tranh chấp bất thành nên cây lim không bị đốn hạ, được bảo tồn đến tận ngày nay", ông Hải cho biết.

Cây lim gần 700 tuổi, báu vật ở Vườn quốc gia Bến En - 2

Phần gốc cây lim to lớn, 4 người ôm không hết (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo ông Hải, trải qua thời gian, cây lim xanh vẫn tươi tốt, mọc sừng sững bên đường. Ngày nay, cây lim này còn được xem là cột mốc ranh giới giữa 2 xã Xuân Khang và Tân Bình, được người dân bảo vệ nghiêm ngặt và xem như "báu vật" của địa phương.

Trước những giá trị to lớn của cây lim, Vườn quốc gia Bến En còn đặt một trạm kiểm soát gồm 3 cán bộ thường xuyên tuần tra, bảo vệ để đảm bảo an toàn cho cây lim.

Cũng theo ông Hải, giai đoạn năm 2011-2013, Vườn quốc gia Bến En đã thực hiện dự án Bảo tồn và phát triển loài lim xanh. Theo đó, Vườn quốc gia Bến En đã khoanh vùng khoảng 1.000ha lim xanh tự nhiên và thực hiện trồng mới hàng trăm ha rừng lim để phục vụ cho việc phát triển, bảo tồn loài.

Cây lim gần 700 tuổi, báu vật ở Vườn quốc gia Bến En - 3

Mặc dù gần 700 năm tuổi, cây lim vẫn xanh tốt (Ảnh: Thanh Tùng).

"Việc khôi phục rừng lim đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, trở thành điểm tham quan lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Vườn quốc gia Bến En", ông Hải cho hay.

Vườn quốc gia Bến En nằm trên địa phận hành chính hai huyện Như Xuân và Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 45km về phía Tây Nam.

Vườn quốc gia Bến En có tổng diện tích tự nhiên hơn 14.000ha, với các kiểu địa hình núi, đất đai thấp xen lẫn núi đá vôi và hồ Sông Mực. Đây là khu vực có hệ động, thực vật đa dạng và phong phú, với 1.530 loài động vật và 1.417 loài thực vật bậc cao.

Cây lim gần 700 tuổi, báu vật ở Vườn quốc gia Bến En - 4

Vườn quốc gia Bến En nhìn từ trên cao (Ảnh: Thanh Tùng).

Trong đó có nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm như gà lôi trắng, gà tiền mặt vàng, gà so ngực gụ, cu li lớn, cu li nhỏ, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, mèo gấm, gấu ngựa, cầy hương. Ngoài ra tại đây còn có nhiều loài thực vật quý như: trai lý, sao hải nam, trầm hương, táu mặt quỷ, lát hoa, sến mật, chò chỉ…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm