1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Thần mộc" 1.500 tuổi, cao 70m sừng sững giữa rừng

Trần Lê

(Dân trí) - Trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa còn bảo tồn cây sa mộc dầu có tuổi đời lên đến 1.500 năm, đường kính gần 4m, cao khoảng 70m.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, nằm ở thượng nguồn sông Chu, quản lý gần 24.000ha rừng đặc dụng, thuộc địa phận hành chính 5 xã, thị trấn (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Nơi đây đang tồn tại 2 quần thể cây sa mộc dầu và cây pơ mu từ hàng trăm đến hàng nghìn năm tuổi.

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học hàng đầu của cả nước, trong đó: hệ động vật với 1.811 loài, có 94 loài quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới; hệ thực vật với 1.228 loài, có 56 loài nguy cấp, quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Thần mộc 1.500 tuổi, cao 70m sừng sững giữa rừng - 1

Cây sa mu cao khoảng 70m (Ảnh: Phạm Anh).

Nổi bật trong đó là nhóm thực vật ngành thông, điển hình là quần thể cây sa mộc dầu quý hiếm có tên khoa học là Cunninghamia konishii có phân bố khoảng 1.000ha, sống trên độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển và quần thể cây pơ mu quý hiếm có tên khoa học là Fokienia hodginsii, phân bố trên 4.000ha, sống ở độ cao 800-1.200m so với mực nước biển. Cả 2 loài thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae).

Năm 2013, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam lựa chọn mỗi loài một cá thể đại diện để công nhận cây di sản của Việt Nam. Trong đó, 1 cây sa mộc dầu có đường kính gần 4m, cao 70m, có tuổi thọ 1.500 năm; 1 cây pơ mu đường kính gần 3m, tuổi thọ trên 1.000 năm, cao trên 60m.

Thần mộc 1.500 tuổi, cao 70m sừng sững giữa rừng - 2

Cây pơ mu có đường kính gần 3m, tuổi thọ trên 1.000 năm, cao trên 60m (Ảnh: Phạm Anh).

Theo Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, đây là nơi duy nhất của tỉnh Thanh Hóa còn phân bố 2 loài cây thuộc ngành hạt trần (ngành thông) được ghi nhận ở nhiều tiểu khu khác nhau thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn, có diện tích phân bố trên 5.000ha, bắt gặp loài từ độ cao 800m trở lên so với mực nước biển.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đánh giá Xuân Liên có quần thể cây hạt trần có tuổi đời lớn nhất, số lượng tập trung dày đặc nhất Việt Nam hiện nay.

Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, nói: "Chúng tôi đã định vị cây Di sản và đang tiến hành định vị các cây cổ thụ của các loài để đưa vào công tác quản lý chặt chẽ".

Đến nay, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã định vị trên 2.000 cây cổ thụ có đường kính từ 2m trở lên với các loài, như: thông nàng, dẻ tùng sọc trắng, sến mật, giổi, vù hương, re gừng…

Ngoài ra, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đang ứng dụng phần mềm smartphone trong tuần tra, bảo vệ rừng cho cán bộ kiểm lâm và tổ bảo vệ rừng cộng đồng. Với ứng dụng này, giúp cho công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng được chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Thần mộc 1.500 tuổi, cao 70m sừng sững giữa rừng - 3

Ban quản lý Khu bảo tồn đã định vị trên 2.000 cây cổ thụ có đường kính từ 2m trở lên (Ảnh: Phạm Anh).

Người dân địa phương luôn xem loài sa mộc dầu, pơ mu nghìn năm tuổi là "thần mộc" và luôn có ý thức cùng với lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt.

Với việc công nhận 2 cây sa mộc dầu, pơ mu đại diện 2 quần thể thực vật ngành hạt trần nguy cấp quý hiếm, được công nhận là Cây di sản Việt Nam đã và sẽ góp phần nâng cao hơn nữa ý thức bảo tồn và gìn giữ loài cây quý này, cũng như bảo tồn sự đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, gắn với du lịch cộng đồng khu vực vùng đệm.