1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Câu chuyện xây đền và tình yêu với vị Cha già dân tộc

(Dân trí) - Sáng ngày 18/5, tại khu di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông, Đảng bộ và nhân dân huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức kỷ niệm mừng sinh nhật lần thứ 122 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người dân địa phương cho biết: Đã nhiều năm nay, nhất là kể từ khi huyện mới Cù Lao Dung được thành lập (từ năm 1992), năm nào bà con cũng tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác và sau này nâng lên thành lễ hội Đền thờ Bác Hồ. Vào mỗi dịp đó, người dân trổ tài làm các món ngon dâng Bác. Thường mâm cỗ sẽ có xôi, gà luộc và các loại bánh tự làm; được trình bày thật đẹp mắt.
 
Câu chuyện xây đền và tình yêu với vị Cha già dân tộc

Người dân nô nức mừng sinh nhật Bác

Câu chuyện xây đền và tình yêu với vị Cha già dân tộc

Những mâm cỗ thật đẹp mắt là một cách thể hiện tình yêu của người dân nơi đây dành cho Bác Hồ

 

Tình yêu của người dân nơi đây dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện sâu sắc nhất trong việc xây dựng Đền thờ Bác Hồ. Đền thờ tọa lạc tại xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (cũ) nay là xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Đền nằm trên một khu đất có diện tích gần 6.700 m2.

 

Năm 1969, sau khi nhận tin Bác mất, người dân nơi đây quá đau buồn và quyết định xây dựng đền thờ Bác trên quê hương mình. Rất nhiều cuộc họp bàn được tổ chức, bàn về địa điểm và mô hình xây dựng đền. Khi đó do hoàn cảnh chiến tranh, vật chất eo hẹp nên có ý kiến chỉ nên dựng tạm thời bằng vật liệu tre lá, sau này nước nhà độc lập sẽ xây dựng kiên cố.

 

Công việc vận động và chuẩn bị ròng rã mấy tháng trời, cho tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1970) đền thờ mới chính thức được thi công.
 
Câu chuyện xây đền và tình yêu với vị Cha già dân tộc
Làm lễ dâng Bác
 
Câu chuyện xây đền và tình yêu với vị Cha già dân tộc
Một cháu bé hứng khởi bên mâm cỗ dâng Cụ Hồ

 

Để công việc xây dựng đền thờ Bác không gặp trở ngại do các cuộc càn quét đánh phá của địch, những ngày bắt đầu thi công cũng là những ngày huyện đội tập trung du kích các xã cù lao về phối hợp cùng bộ đội địa phương quân huyện xuống và bao vây phân chi khu Rạch Tráng. Tuy nhiên, do máy bay, tàu chiến liên tục đánh phá nên các tay thợ phải làm vào buổi chiều và ban đêm. Dù vậy, anh em thợ và nhân dân trong ấp làm việc với tinh thần rất hăng say. Có lần máy bay ném bom vừa đi qua, anh em từ dưới hầm trú ẩn lên, cứ để mình mẩy bùn sình mà làm.

 

Xuất phát từ lòng kính yêu Bác Hồ, bà con An Thạnh Nhì không quản ngày đêm cực nhọc, cố sao cho ngôi đền được hoàn thành vào dịp mừng sinh nhật Người. Đúng như kế hoạch ban đầu, vào ngày 19/5/1970 thì đền hoàn thành. Ngày 19/5 năm ấy, tại ấp Nguyễn Công Minh, An Thạnh Nhì, hàng ngàn người về dự khánh thành đền thờ Bác. Buổi lễ có đủ mặt cán bộ tỉnh, huyện và nhân dân các xã ở cù lao, bất chấp mọi nguy hiểm do bom đạn pháo thù có thể bất thần trút xuống nơi này.

 

Thời điểm Đền thờ Bác lập xong cũng là lúc Mỹ nguỵ mở các cuộc càn quét lấn chiếm, tái chiếm những vùng nông thôn căn cứ cách mạng. Trong một lần càn quét, tên trung uý Nhạn trưởng đồn chỉ huy trung đội bảo an phát hiện đền thờ Bác Hồ. Bọn chúng hết sức ngạc nhiên và quyết tâm phá hủy đền. Chúng hạch sách bà con: “Ai là người đầu đảng bày ra việc lập đền thờ Ông Hồ?”. Hôm ấy dân trong ấp kéo ra rất đông, một người đứng ra trả lời: “Không ai cầm đầu cả, đây là sự biết ơn của bà con đối với Cụ Hồ, vì Cụ đã đem cơm áo, ruộng đất cho nhân dân trong đánh Pháp năm xưa, hôm nay Cụ Hồ mất, nên nhân dân lập đền để thờ”. Chúng hỏi: “Ai đứng ra xây cất?”. Bà con đồng thanh trả lời: “Dân trong ấp đồng lòng đứng ra xây cất”. Chúng nhào tới đánh đập nhưng bà con không nao núng. Chúng xoay qua đòi đốt đền thờ, bà con cương quyết ngăn cản. Bọn chúng không dám làm căng nên rút lui.

 

Sau đó còn nhiều lần khác, bọn lính lăm le đốt phá đền, nhưng với sự mưu trí và lý lẽ đấu tranh sắc bén bà con ấp Nguyễn Công Minh, ngôi đền thờ Bác đã được bảo vệ an toàn.

 

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), đền tuy được bảo quản tốt nhưng cũng hư hỏng nhiều. Năm 1989, sau vài lần đưa khách về thăm đền thờ, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã quyết định trùng tu đền thờ Bác Hồ đúng như tâm nguyện của bà con và cán bộ, chiến sĩ năm xưa.

 

Qua gần hai tháng thi công (từ ngày 25/4 đến 15/6/1990), đền thờ Bác Hồ được trùng tu theo dạng kiên cố, hoàn thành đúng thời gian dự định để nhân dân hân hoan kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của vị Cha già dân tộc.
 
Câu chuyện xây đền và tình yêu với vị Cha già dân tộc

Đền thờ Bác Hồ được xây dựng kiên cố và được công nhận là Di tích Lưu niệm Danh nhân cấp quốc gia

 

Ngày 28/12/2001, Đền thờ Bác Hồ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lưu niệm Danh nhân cấp quốc gia, theo Quyết định số 53/2001/QĐ – BVHTT. Cũng nhân dịp này, Đảng bộ và nhân dân huyện Cù Lao Dung tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước trao tặng.

 

Qua bao năm tháng tạo dựng và kiên trì, dũng cảm đấu tranh gìn giữ đền thờ Bác, giờ đây người dân nơi đây có quyền tự hào: giữa vùng sông nước cù lao, giữa Lòng Đầm, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đứng oai nghiêm sừng sững.

 

Cao Xuân Lương