"Cát sông Hồng đẹp như cô gái tuổi 18 nên thường xuyên bị nhòm ngó"
(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Tín - Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đánh giá cát sông Hồng trên địa bàn "đẹp như cô gái tuổi 18" nên thường xuyên bị cát tặc nhòm ngó.
Sáng ngày 8/12, phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội được làm nóng bằng phóng sự của Thường trực HĐND TP về tình trạng cát tặc lộng hành trên sông Hồng gây sạt lở bờ đê, phá nát nhiều tuyến đường giao thông, gây bức xúc trong nhân dân.
Địa biểu Dương Thị Hằng (Gia Lâm) nêu thực trạng khai thác cát trái phép xảy ra tại xã Xuân Đỉnh (huyện Phúc Thọ) nhiều năm qua nhưng chưa được xử lý triệt để. Đại biểu Hằng đề nghị Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh cho biết biện pháp xử lý tình trạng này, còn Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết trách nhiệm chính quyền địa bàn khi tình trạng này diễn ra.
Cùng vấn đề này, đại biểu Trần Thị Vân Hoa (Tây Hồ) đề nghị Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng và Trưởng Công an huyện này làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng khai thác cát trái phép tại 6 xã ven sông Hồng.
Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Văn Tín - Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh (huyện Phúc Thọ) cho hay, cát sông Hồng trên địa bàn "đẹp như cô gái tuổi 18" nên thường xuyên bị cát tặc nhòm ngó. Đỉnh điểm nhất là năm 2018, cát tặc ồ ạt kéo đến địa bàn khai thác ngày đêm như một công trường.
"Cát tặc lộng hành, chính quyền xã cũng rất áp lực. Còn nhân dân mua trống, kèn về xua đuổi cát tặc ngày đêm. Không đuổi được cát tặc thì họ kéo đến nhà cán bộ xã đánh trống, thổi kèn khiến chúng tôi rất mệt mỏi", ông Nguyễn Văn Tín nói.
Trước tình trạng trên, chính quyền xã Xuân Đỉnh có báo cáo lên huyện, TP. Sau đó, Công an huyện và Công an TP lập chuyên án xử lý cát tặc. Cuối năm 2019, tình trạng khai thác cát cơ bản chấm dứt nhưng trong năm 2020, một số tàu cuốc lại đến khai thác vào ban đêm, quy mô nhỏ hơn, chỉ khoảng 1-2 tàu cuốc.
Tại hội trường HĐND TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tín thẳng thắn cho rằng, chính quyền xã được TP giao cho quyền xử lý cát tặc nhưng lại không giao cho cơ chế, nghĩa là không có lực lượng và không có phương tiện để thực thi nhiệm vụ.
Ông Tín cho biết, xã muốn xin 1 tàu cao tốc, lực lượng chuyên dụng để xử lý cát tặc. Còn nếu không được thì Công an TP cho lực lượng công an giao thông chốt trực tại đây để ngăn chặn triệt để cát tặc.
Trả lời thêm về trách nhiệm của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn nêu trách nhiệm của huyện là phối hợp bảo vệ tài nguyên, bảo vệ cát sỏi chưa khai thác, có hành động ngăn chặn đối với các tình trạng khai thác cát trái phép, đối với các nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên.
Trong thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện đúng thẩm quyền, tuy nhiên tình trạng khai thác cát trên địa bàn huyện còn phức tạp. Năm 2018, huyện đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý bắt 9 vụ, 9 đối tượng, phạt 775 triệu đồng, trong đó có 1 vụ xử lý hình sự, thu giữ các phương tiện như máy xúc, xe ô tô. Năm 2019, xử lý 6 vụ, 7 đối tượng, thu giữ các phương tiện. Năm 2020, xử lý 4 vụ, 4 đối tượng, xử phạt 65 triệu đồng.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ nêu khó khăn như công an huyện chỉ có 1 xuồng, có 1 đồng chí công an cấp phép lái xuồng đó. Nếu điều tra truy bắt vào ban đêm thì rất phức tạp. Ông Tuấn cũng đề xuất Sở Nội vụ tham mưu xác định mốc giới trên lòng sông giữa địa bàn huyện Phúc Thọ với 2 xã của Vĩnh Phúc để thuận tiện quản lý. Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề xuất Sở Tài nguyên & Môi trường sớm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá khởi điểm đấu giá khai thác để Nhà nước vừa quản lý được, đảm bảo nguồn thu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng nêu quá trình xử lý cát tặc gặp rất nhiều khó khăn, bởi đây là tàu đi thuê, người khai thác phần lớn là các hộ nghèo. "Tôi đã công khai số điện thoại và thường xuyên nhận được tin nhắn và các cuộc gọi của nhân dân thông báo tàu thuyền khai thác trái phép trên địa bàn, từ đó chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc xử lý", ông Hoàng nói.
Cùng vấn đề trên, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho biết, trên địa bàn TP còn 13 điểm khai thác cát; tình trạng này có những diễn biến phức tạp. Ông Tùng cũng cho biết, TP có 7 tuyến sông (giáp ranh với 8 tỉnh) thường xuyên có các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép. Ngoài ra, một số đối tượng cũng thường xuyên lợi dụng đêm tối, thuê người cảnh giới từ xa để khai thác cát trái phép.
Ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian tới đơn vị này cùng với các ngành của TP tiếp tục quản lý và hậu kiểm giấy phép khai thác. "Với các trường hợp sai phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo quy định", ông Đông nói.