1. Dòng sự kiện:
  2. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí
  3. Thủ tướng thăm chính thức Hàn Quốc

Cát biển về đến điểm cuối cao tốc Bắc - Nam ở Cà Mau

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - Sà lan chở cát biển đã về đến đoạn cuối của công trình cao tốc Bắc - Nam tại địa phận huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) để phục vụ thi công đoạn tuyến này.

Ngày 10/7, theo thông tin từ Ban điều hành XL02 (thi công tuyến cao tốc thành phần Hậu Giang - Cà Mau đoạn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), sà lan chở gần 600m3 cát biển đã về đến địa bàn.

Đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 1 trong 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Cát biển về đến điểm cuối cao tốc Bắc - Nam ở Cà Mau - 1

Sà lan cát biển và cát sông được bố trí đậu gần đoạn cuối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau (Ảnh: CTV).

Phương tiện vận chuyển cát biển đi từ cửa biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) vào đến đoạn cuối công trình cao tốc ở Cà Mau phải đi đoạn đường khá dài, qua nhiều tuyến sông.

Các sà lan cát biển cũng như cát sông hiện được bố trí đậu tại kênh Huyện Sử thuộc địa bàn huyện Thới Bình, gần công trình cao tốc.

Lực lượng nhân công tuyến này đang triển khai đưa cát biển lên thi công công trình.

Đoạn tuyến cao tốc qua Cà Mau dài hơn 22km, cần hơn 2 triệu m3 cát.

Cát biển về đến điểm cuối cao tốc Bắc - Nam ở Cà Mau - 2

Đưa cát biển lên công trình thi công cao tốc (Ảnh: CTV).

Trước đó ngày 29/6, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khởi công khai thác mỏ cát biển trên vùng biển Sóc Trăng để làm vật liệu đắp nền thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Số cát biển khai thác dự kiến khoảng 6 triệu m3, được thi công thí điểm đoạn tuyến cao tốc đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Cát biển về đến điểm cuối cao tốc Bắc - Nam ở Cà Mau - 3

Khu vực khai thác cát biển trên vùng biển Sóc Trăng (Ảnh: Huỳnh Hải).

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết trước đó đã tổ chức triển khai thí điểm sử dụng cát biển đắp nền đường trên phạm vi hoàn trả ĐT.978 tại huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) thuộc cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Kết quả cho thấy cát biển đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường và thực hiện tương tự như cát sông. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức thi công thí điểm mở rộng làm nền đường cao tốc cho dự án có điều kiện môi trường tương tự.

Ngày 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có quyết định giao mỏ cát biển B1.1 thuộc khu B1 trên vùng biển tỉnh Sóc Trăng cho nhà thầu khai thác phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trong khu vực.

Mục đích sử dụng là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát biển) để cung cấp cho dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau).

Khu vực vùng biển được giao ở tỉnh Sóc Trăng có diện tích gần 100ha, độ sâu được phép sử dụng đến 7,5m, độ cao 5m tính từ mặt nước biển. Thời hạn được giao khu vực biển này đến hết ngày 21/12.

Hồi tháng 12/2023, Bộ TN&MT và Bộ GTVT đã chuyển giao kết quả thực hiện dự án "Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL" tại khu mỏ B1 cho tỉnh Sóc Trăng.

Theo kết quả đánh giá, khu vực mỏ cát biển B1 có diện tích 32km2 với tổng sản lượng cát khoảng 145 triệu m3, đáp ứng khả năng sử dụng làm vật liệu san lấp.