1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Cấp thuyền, áo phao cho các học sinh “bơi qua sông đến trường”

(Dân trí) - Sau khi <i>Dân trí</i> có bài viết về tình cảnh các em học sinh bản ông Tú, Ka Oóc (xã Trọng Hóa, Minh Hoá, Quảng Bình) phải bơi qua sông đến trường; lãnh đạo huyện Minh Hoá đã xác minh sự việc và khẩn trương chỉ đạo cấp thuyền, áo phao cho các em.

Cảnh các em học sinh phải cởi quần áo, cho sách vở áo quần vào túi nilon, bơi qua sông đi học đã khiến nhiều độc giả khắp mọi miền xót xa, thương cảm. Chia sẻ với khó khăn của các em học sinh, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm khắp cả nước đã gọi điện đến tòa soạn Dân trí mong được giúp đỡ, ủng hộ.

Tiếp nhận thông tin từ bài báo, ngày 13/9, lãnh đạo UBND huyện Minh Hoá và các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, khảo sát để tìm ra phương án khả thi giúp các em thuận lợi hơn trên đường đến trường.

Cấp thuyền, áo phao cho các học sinh “bơi qua sông đến trường” - 1
Hy vọng cảnh này sẽ không còn diễn ra

Sáng 16/9, trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Quý Nhân - Chủ tịch UBND huyện Minh Hoá - cho biết, vừa qua UBND huyện và các sở ban ngành liên quan đã trực tiếp khảo sát thực địa để tìm ra kế hoạch triển khai xây cầu. Ước tính chi phí xây cầu khoảng trên dưới 50 tỉ đồng.

“Minh Hoá đang còn là một huyện nghèo, điều kiện kinh tế người dân đang còn rất nhiều khó khăn nên người dân đóng góp tiền để xây một cây cầu với khoản chi phí quá lớn như thế là điều không thể. Trước mắt chúng tôi cấp 3 chiếc thuyền và hàng trăm áo phao; đốc thúc chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lí nhằm đảm báo tính mạng cho học sinh và người dân” - ông Nhân cho hay.

Cũng theo ông Nhân, sau chuyến kiểm tra thực tế tại đây, Sở GTVT tỉnh Quảng Bình sẽ gửi báo cáo tình hình thực địa cho Bộ GTVT để xin ý kiến chỉ đạo cụ thể về kế hoạch xây cầu.  

Sáng nay (17/9), ông Đinh Xuân Tiến - Chủ tịch UBND xã Trọng Hoá - cho biết: Sáng qua xã đã trực tiếp giao một chiếc thuyền và 110 áo phao cho bản ông Tú. “Xã giao cho trưởng bản, bí thư và công an trực tiếp quản lí thuyền và số áo phao này. Theo đó, trưởng bản sẽ lập ra 8 người thay phiên nhau chở học sinh đến trường, người dân đi qua sông mưu sinh theo khoảng thời gian nhất định trong ngày. Hàng tháng mỗi hộ dân sẽ đóng góp 5.000 ngàn đồng tiền chi phí qua sông” - ông Tiến thông tin.

Đặng Tài - Tuệ Nhi