Cao ốc 8B Lê Trực cao gần... gấp đôi Nhà Quốc hội
(Dân trí) - Báo cáo của UBND Tp.Hà Nội về cao ốc 8B Lê Trực để cập nguyên tắc xét cấp phép cho toà nhà số 8B Lê Trực cao tối đa 44m (thấp hơn Nhà làm việc Quốc hội). Nhưng rồi giấy phép cấp ra lại “nới” thêm chục mét, khi thành hình thì cao hơn gần 26m. Thực tế, so với Nhà Quốc hội 37m, cao ốc này cao gần… gấp đôi.
Cụ thể, trong báo cáo gửi lên Thủ tướng, UBND TP Hà Nội, lật lại quá trình chấp thuận quy hoạch, kiến trúc đối với công trình, sau giai đoạn tạm dừng dự án vào năm 2009 để làm quy hoạch chung Thủ đô, ngày 20/4/2013, Công ty cổ phần May Lê Trực có văn bản số 378/CVDA gửi Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo kiến nghị được tiếp tục đầu tư xây dựng công trình Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở tại 8B Lê Trực theo quyết định đã được phê duyệt.
Giải quyết “đơn kêu cứu” của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc kiểm tra, rà soát lại quy hoạch; giữ nguyên phương án quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình (như phương án đã được chấp thuận năm 2009) nhưng giảm chiều cao công trình theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình (chiều cao tối đa bằng công trình Nhà làm việc Quốc hội).
Ngày 12/7/2013, UBND Thành phố đã có công văn báo cáo Thủ tướng cho phép Dự án được tiếp tục triển khai với chỉ tiêu: mật độ xây dựng 64%, chiều cao công trình tối đa 44m (thấp hơn Nhà làm việc Quốc hội tại đường Hùng Vương, giảm chiều cao 26m so với phương án kiến trúc đã được chấp thuận ngày 16/3/2009).
Giai đoạn chấp thuận phương án điều chỉnh dự án năm 2013, Bộ Xây dựng cũng thống nhất đề nghị của Hà Nội cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án xây Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại 8B Lê Trực nhưng đề xuất phương án thiết kế lại công trình theo dạng giật cấp.
Sau khi hướng điều chỉnh này nhận được ý kiến đồng ý của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội đã nghiên cứu, phân tích phương án đề xuất này. Báo cáo nêu rõ: “Trên cơ sở các công trình cao tầng tại khu vực như Nhà làm việc Quốc hội cao 44,6m, vị trí cụ thể công trình (gần nút giao thông giữa phố Thanh Báo và đường Trần Phú (kéo dài); Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã yêu cầu nhà đầu tư hoàn chỉnh lại phương án, chấp thuận về quy hoạch, thiết kế kiến trúc với các chỉ tiêu hoàn toàn phù hợp theo phương án 2 đã được Bộ Xây dựng xem xét đề nghị”.
Theo đó, công trình được duyệt diện tích xây dựng gần 2.400m2, mật độ xây dựng 64%, tầng cao các công trình từ 5-18 tầng (bao gồm cả tầng kỹ thuật và tum thang), tổng diện tích sàn khoảng 28.600m2.
Về Phương án kiến trúc, công trình cao 18 tầng, tổng chiều cao công trình là 53m – tính từ cốt hè đến đỉnh công trình. Từ tầng 8 phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế; phần giật cấp đầu hồi phía đông từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m công trình giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây. Định vị công trình và khoảng lùi khối đế và khối cao tầng với đường Trần Phú kéo dài đảm bảo phù hợp Quy chuẩn, Tiêu chuẩn hiện hành.
Với những căn cứ dẫn ra, Hà Nội khẳng định, quy hoạch kiến trúc của Dự án đã chấp thuận phù hợp định hướng Quy hoạch chung Thủ đô, việc nghiên cứu xét tới yêu cầu cảnh quan đô thị khu vực, có kế thừa kết quả rà soát công trình cao tầng, đồng thời nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, tuân thủ các quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng.
Phép so sánh được đặt ra giữa toà nhà với lăng Bác (21,6m), với trụ sở mới xây của các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước lân cận như toà nhà Văn phòng Quốc hội (9 tầng), Nhà Quốc hội (5 tầng) trong khu vực...
Trở lại chuyện xây Nhà Quốc hội, gần đây nhất, báo cáo số 433 ngày 19/10/2014 về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà Quốc hội gửi tới Quốc hội, để phục vụ kỳ họp thứ 8 (kỳ họp đầu tiên Quốc hội “về nhà mới”) của Chính phủ nêu rõ, quy mô công trình được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1591/QĐ-TTg (ngày 9/10/2009) gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, kích thước mặt bằng 102m x 102m. Chiều cao tòa nhà khoảng 39m. Tổng diện tích sàn khoảng 63.000m2.
Thực tế xây dựng, sau khi hoàn thành, Nhà Quốc hội chỉ cao hơn 37m đôi chút. Như vậy thì cao ốc 8B Lê Trực hiện tại với chiều cao xấp xỉ 70m, đang cao gần... gấp đôi Nhà Quốc hội.
Các thông số về quy mô, chiều cao Nhà Quốc hội thống nhất từ sau khi có Quyết định 1591 từ năm 2009 của Thủ tướng qua các lần báo cáo định kỳ cũng như thông tin trên báo chí cho đến nay.
Trở lại quá trình chốt quan điểm xây Nhà Quốc hội, suốt thời gian dài, ý kiến khống chế chiều cao công trình không quá lăng Bác (21,6m) được duy trì. Khi tổ chức thi thiết kế, việc khống chế chiều cao gây khó khăn rất lớn nên tháng 4/2003, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An mới thông báo, Bộ Chính trị đã chấp thuận không khống chế chiều cao Nhà Quốc hội ở mức 21,6 m (chiều cao Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, tòa nhà mới cũng không được quá cao để phù hợp với cảnh quan khu vực.
Vậy không hiểu, với nguyên tắc "đối chiếu" với Nhà làm việc Quốc hội để đảm bảo không có một công trình dân dụng cao hơn trụ sở của cơ quan Đảng, Nhà nước gần lăng Bác, làm ảnh hưởng đến bối cảnh, không gian kiến trúc của khu vực mà sau đó, trên căn cứ nào mà việc cấp phép cho tòa nhà tiếp tục đội lên 53m – ngược lại với nguyên tắc đã đề ra.
Và kết cục sau cùng, một “lô cốt” vuông chằn chặn, lừng lững cao tới gần 70m, tức cao hơn 26m so với công trình "đối chứng", cao gần gấp đôi chiều cao thực tế Nhà Quốc hội hiện nay đã mọc lên, án ngữ không gian phía Nam khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Chưa có ý kiến của Thủ tướng nhưng báo cáo của Hà Nội cũng khiến nhiều người băn khoăn, chưa thấy thuyết phục về việc “quy lỗi” về cho chủ đầu tư.
Phát biểu với trên Dân trí ngày 2/10, Phó chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm nêu yêu cầu cần thanh tra độc lập về dự án này cũng với ý tứ: “Thông tin vừa rồi mới chỉ là báo cáo của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội mà thôi. Mà Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Hà Nội vào đây kiểm tra thực tế là mình tự kiểm tra mình để báo cáo Thủ tướng theo yêu cầu. Còn điều mà dư luận, chúng ta cần là tự thanh tra cơ. Tôi cần Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra dự án này đi, có gì hỏi thêm các tổ chức ngoài xã hội thì mới khách quan và biết được hướng xử lý cụ thể, minh bạch”.
P.Thảo