Cảnh sát PCCC&CNCH lấy kinh phí ở đâu để duy trì hoạt động?
(Dân trí) - Dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định, nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bao gồm ngân sách nhà nước; nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc...
Tại Điều 49 và Điều 50 dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định về nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, gồm ngân sách nhà nước, nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trích lại cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, nguồn kinh phí này còn đến từ sự đóng góp tự nguyện, tài trợ bằng tiền, hiện vật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài; từ nguồn hỗ trợ từ quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và các quỹ hợp pháp khác.
Ngoài ra có nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Dự thảo luật PCCC&CNCH cũng quy định, nhà nước bảo đảm ngân sách để đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ưu tiên phân bổ nguồn lực trong kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Theo nhà chức trách, trong nhiệm vụ chi ngân sách quốc phòng và an ninh hằng năm của ủy ban nhân dân các cấp, phải có nội dung bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Dự thảo luật cũng quy định, trong trường hợp cấp bách được sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, nhà nước cấp ngân sách cho lực lượng công an nhân dân, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đơn vị soạn thảo luật cho biết, ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được sử dụng cho các nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, đầu tư, trang bị, xây dựng, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Thứ hai, hoạt động của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH và lực lượng dân phòng.
Thứ ba, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khác theo quy định của pháp luật.
Tại dự thảo luật PCCC&CNCH cũng quy định, việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Tiếp đó, ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực để đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với các khu dân cư thuộc phạm vi quản lý, chưa bảo đảm điều kiện về hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; đầu tư, trang bị, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Dự thảo luật PCCC&CNCH quy định, nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
"Tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong nước được hưởng các ưu đãi về tín dụng, đất đai, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực theo quy định của pháp luật", dự thảo luật PCCC&CNCH nêu rõ.