1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cảnh báo về một giải pháp “cứu” sông Thị Vải

(Dân trí) - Để cứu sông Thị Vải đang “hấp hối”, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất giải pháp đào kênh dẫn nước từ thượng nguồn để pha loãng “độc chất” tại đây. Tuy nhiên, Viện quy hoạch thuỷ lợi miền Nam cảnh báo, cách làm này có thể mang lại hệ luỵ xấu khó lường.

Trong những ngày qua, dư luận cả nước đang dồn mối quan tâm về sự kiện Công ty Vedan của Đài Loan đang “giết chết” dòng sông Thị Vải (tỉnh Đồng Nai). Trước một dòng sông đang “hấp hối”, cơ quan chức năng từ cấp Sở đến Bộ đều đang vất vả tìm cách giải “bài toán” và khắc phục hậu quả được xem là rất nghiêm trọng này.

Nhiều phương pháp được đề xuất với kinh phí lên đến cả ngàn tỷ đồng. Trong đó, một giải pháp được đưa ra là đào kênh, cung cấp nước để pha loãng “độc chất”, nâng cao khả năng tự làm sạch của sông. Giải pháp này được ông Ao Văn Thinh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai từng đề xuất tại một cuộc họp về lưu vực sông Đồng Nai ở TPHCM vừa qua.

Theo ông Ao Văn Thinh, nên đào một con kênh để dẫn nước từ sông Đồng Môn (thượng nguồn sông Thị Vải) vào pha loãng nước sông Thị Vải đang bị ô nhiễm. Cách làm này không chỉ giúp dòng sông có khả năng tự làm sạch mà còn rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa vào các khu công nghiệp trên địa bàn.

Ý kiến của ông Ao Văn Thinh cũng trùng với đề xuất của Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, tuyến kênh sẽ có quy mô lớn với chiều dài 20-25km, đáy rộng 180m, sâu 10-10m. Tính toán của Cục hàng hải cho hay kinh phí để cứu sông Thị Vải theo phương pháp này lên đến cả ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số đơn vị khác lại cho rằng đây chỉ là cách giải quyết phần ngọn trong quá trình cải tạo dòng sông Thị Vải.

Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn mà trực tiếp là Viện quy hoạch thủy lợi Miền Nam cảnh báo sẽ có thêm nhiều “dòng sông chết” nếu triển khai theo phương pháp này (!?). Lý do Viện đưa ra là lưu lượng nước trên sông Đồng Nai hiện nay đang từ 300-320m3/s. Nếu đào kênh để dùng nước ngọt từ sông Đồng Nai súc nước bẩn trong sông Thị Vải thì phải cần ít nhất trên 100m3/s nước đầu nguồn. Như vậy, lưu lượng nước trên sông Đồng Nai chỉ còn 200-220 m3/s. Đó là chưa kể vào năm 2010-2012, khi công trình nhà máy nước Phước Hòa đi vào hoạt động, lưu lượng nước sông Đồng Nai chỉ còn 140-160m3/s.

Hơn nữa, khi đào kênh, một lượng lớn nguồn nước ngọt tại sông Đồng Nai sẽ vào sông Thị Vải dẫn đến việc phá vỡ môi trường tự nhiên vùng hạ lưu, mà ảnh hưởng trực tiếp là rừng ngập mặn Cần Giờ (TPHCM). Đến lúc này, nguồn nước sinh hoạt của người dân và các Khu công nghiệp tại Đồng Nai và vùng lân cận như TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng khi nước mặn xâm nhập. Nếu tính đến cả trường hợp hồ Trị An cạn kiệt thì đời sống người dân chưa biết sẽ ảnh hưởng đến mức nào.

Sông Thị Vải là một dòng sông rộng và lòng sông sâu, chịu ảnh hưởng của thủy triều. Tình trạng ô nhiễm do chất thải từ các Khu công nghiệp đã vượt quá khả năng tự làm sạch của dòng sông này. Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm còn đang khoanh vùng trong dòng sông Thị Vải. Nếu chúng ta vẫn quyết tâm xử lý ô nhiễm bằng cách đào một con kênh lớn để đẩy chất thải thì vô hình chung đã mở đường cho tình trạng ô nhiễm dây dưa và lan rộng ra cả sông Đồng Nai.

Phó Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam Nguyễn Ngọc Anh cho biết, trong xử lý nguồn xả thải, phương pháp pha loãng ô nhiễm sẽ không cải thiện được tổng lượng ô nhiễm thải vào dòng sông. Vì vậy, đứng về góc độ khoa học, phương pháp pha loãng ô nhiễm bị nghiêm cấm dùng trong xử lý nguồn xả thải. Sông Đồng Nai là dòng sông tự nhiên, nếu tác động mạnh đến việc phân bổ dòng chảy tự nhiên của Đồng Nai, nhiều hệ lụy sẽ xảy ra với những tác hại mà chúng ta chưa lường trước được”, ông Anh nói.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm