1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Căng” vấn đề bỏ hay giữ lãi suất cơ bản

(Dân trí) - Xoay quanh vấn đề bỏ hay giữ quy định về lãi suất cơ bản, phiên thảo luận tại hội trường hôm nay 21/5, về dự luật Ngân hàng nhà nước sửa đổi, các đại biểu Quốc hội “găng” từng phân trên bàn nghị sự…

Bỏ lãi suất cơ bản = xóa tội cho vay nặng lãi, công nhận tín dụng “đen”

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) phân tích, lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố trên cơ sở hoạt động của thị trường liên ngân hàng. Bình thường, NHNN không tham gia điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng thương mại nhưng trong tình hình đặc biệt thì cần quy định mức lãi cụ thể để điều chỉnh hoạt động của các ngân hàng xung quanh mốc này, tránh rối loạn thị trường.
“Căng” vấn đề bỏ hay giữ lãi suất cơ bản - 1
Đại biểu Trần Thế Vượng: Bỏ lãi suất cơ bản thì có căn cứ để xem xét tội cho vay lãi nặng, có công nhận tín dụng “đen”?

Ông Kiêm cho rằng, khoản 1 Điều 12 dự luật quy định NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ thì phải hiểu “lãi suất khác” ở đây chính là lãi suất cơ bản, không thể bỏ.

Đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) thận trọng cho rằng, quyết định bỏ hay giữ lãi suất cơ bản chỉ có thể đưa ra khi có những tổng kết đầy đủ các mặt được mất. Dự thảo luật đề cập việc sửa lãi suất cơ bản nhưng lập lập không rõ. Khi chưa đủ cơ sở, ông Lý nêu quan điểm cần giữ công cụ điều tiết này.

Đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) cũng cảnh báo hết sức cân nhắc khi bỏ lãi suất cơ bản vì trong tình hình khủng hoảng 2 năm qua, công cụ này đã phát huy hiệu quả để bình ổn thị trường tiền tệ.

Vị chủ nhiệm UB Dân nguyện cũng phân tích, hiện Bộ luật hình sự vẫn quy định tội cho vay lãi nặng, Bộ luật dân sự công nhận hình thức cho vay theo thỏa thuận nhưng lãi không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Do đó, có thời điểm nhiều ngân hàng đưa mức lãi lên tới 24-25% trong khi lãi suất cơ bản khi đó là 8%, NHNN đã phải kiến nghị sửa các quy định tại 2 bộ luật trên nhưng không được UB thường vụ “gật đầu”.

“Giờ lại đưa ra kiến nghị bỏ nhưng lý lẽ vẫn không rõ. Nếu bỏ thì có phải sửa Bộ luật dân sự, hình sự?” - ông Vượng đặt câu hỏi.

Dòng tiền “nhảy xếch” vì ngân hàng “ăn” cả 2 đầu

Đối trọng những ý kiến băn khoăn, nghi ngại, nhiều đại biểu “bỏ phiếu” dứt khoát cho quan điểm bỏ lãi suất cơ bản.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM) phát biểu đồng tình với dự thảo luật không quy định về mức lãi suất đặt biệt này. Ông Trừng cho rằng, tình huống có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, NHNN vẫn không thiếu công cụ điều tiết. Đại biểu lấy ví dụ, vừa qua, một vài thời điểm, NHNN đã dùng tới lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng để quản lý dòng tiền hiệu quả.
 
“Căng” vấn đề bỏ hay giữ lãi suất cơ bản - 2
Đại biểu Lê Quốc Dung: "Càng nới khung lợi ích của ngân hàng thì người vay càng… chết".

Ông Trừng khuyến nghị, để xây dựng nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, các tổ chức tín dụng Việt Nam phải hoạt động tuân theo quy huật cung tiền thực sự, theo nguyên tắc thỏa thuận tối đa. Còn lo ngại “vướng” Bộ luật dân sự, hình sự, ông Trừng cho rằng dự luật vẫn có sự mở lối với quy định trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường.

Đồng quan điểm này, đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) lý lẽ, cơ chế lãi suất là cái quan trọng để vận động dòng tiền cho mềm mại, uyển chuyển. Trong bối cảnh đổi mới, NHNN vẫn đóng “nửa vai” là ngân hàng trung ương thì dùng hoàn toàn công cụ hành chính hay công cụ thị trường đều không được, dòng tiền vẫn cứ “nhảy xếch”.

Nguyên nhân được đại biểu nhìn nhận là do cơ chế lãi suất, các ngân hàng thương mại “ăn” cả 2 đầu - cho vay và huy động tiền nên có khó khăn, khủng hoảng vẫn lãi lớn, có ngân hàng báo lãi tới 5.000-7.000 tỷ đồng/năm. Càng nới khung lợi ích của ngân hàng thì người vay càng… chết.

Ông Dung đi tới kết luận, có nhiều công cụ điều tiết khác ngoài lãi suất. Đại biểu Thái Bình kiến nghị quy định lãi suất đầu vào, đầu ra hoàn toàn theo thỏa thuận nhưng “nèo” thêm điều kiện ngân hàng chỉ được hưởng mức % lợi nhuận nhất định để nếu cho vay lãi cao thì cũng phải huy động với lãi suất cao.

Không đồng tình những kiến giải của ông Dung, đại biểu Lê Thị Thu Ba (Đồng Nai) cho rằng, tuân theo cơ chế thị trường nhưng vẫn phải có định hướng. Lãi suất cơ bản là để khống chế nạn cho vay nặng lãi, chống việc người nắm giữ tiền lợi dụng vị thế của mình ép người khó khăn vay với lãi suất cao ngất ngưởng. “Đừng buông tay với 1 công cụ rất cơ bản điều hành thị trường tiền tệ” - bà Thu Ba khuyến cáo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên gom lại các ý kiến thảo luận, kết luận UB Thường vụ làm báo cáo, giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật với quan điểm không “buông công cụ” nhưng với phạm trù phải được hiểu rõ lãi suất cơ bản không phải một mức lãi cụ thể mà là một số lãi suất chủ yếu trong đó có một lãi suất chủ đạo. Còn việc quy định xung đột với một số bộ luật cơ bản thì sẽ sẽ xem xét xử lý về mặt kỹ thuật.

Phương Thảo