1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Cần tôn vinh Đại tướng là Anh hùng dân tộc”

(Dân trí) - “Nhìn dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng, mắt tôi đã nhòe đi. Bia đá có thể mòn nhưng sự tôn kính của nhân dân dành cho Đại tướng thì không gì có thể thay đổi”, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm UB VH-GD-TTNNĐ của Quốc hội xúc động nói.

Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng (VH-GD-TTNNĐ) của Quốc hội - chia sẻ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua đời, cảm giác của ông ra sao?

Đó mãi là khoảnh khắc mà tôi không quên được. Buổi tối ngày 4/10, nhận được điện thoại thông báo về sự ra đi của Đại tướng, tôi bần thần và cảm thấy hụt hẫng như mất đi một người thân trong gia đình. Mặc dù biết Đại tướng yếu, mệt và nằm trên giường bệnh đã vài năm rồi, nhưng tôi vẫn thấy choáng váng.

Sự ra đi của Đại tướng là một mất mát, tổn thất không gì bù đắp được. Nhân dân, dân tộc ta mất đi một chỗ dựa tinh thần, một biểu tượng lớn.

Ba ngày qua, hàng trăm nghìn người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã xếp hàng dài hàng cây số, đội nắng giữa trưa hay thức trắng đêm trước số nhà 30 Hoàng Diệu - Hà Nội với mong mỏi được vào tiễn biệt Đại tướng. Đã rất lâu rồi, không có mất mát nào lại khiến nhiều trái tim Việt Nam phải đau đớn, thổn thức đến thế, thưa ông?

Sáng 7/10, tôi đã qua nhà số 30 Hoàng Diệu để vào viếng Đại tướng, Trước đó, tôi đi làm qua số 30 Hoàng Diệu cũng cảm thấy bất ngờ, sửng sốt và vô cùng xúc động. Tôi bảo anh lái xe chạy xe chậm lại để được nhìn rõ hơn từng khuôn mặt. Dòng người tưởng như dài vô tận xếp hàng từ đường Điện Biên Phủ đến Hoàng Diệu, thậm chí nhiều người phải xếp tràn lên vỉa hè của con phố đối diện. Từ các cụ già râu tóc bạc phơ, những cựu chiến binh, thanh niên, đến các cháu thiếu niên nhi đồng từ khắp mọi miền đất nước... đều lặng lẽ xếp hàng một cách trật tự, kính cẩn đi theo hàng vào viếng Đại tướng.

Trong dòng người ấy, tôi còn bắt gặp nhiều gia đình đưa cả vợ chồng, con cháu nhiều thế hệ. Tôi nhìn thấy nhiều dòng nước mắt của đồng bào dành cho Đại tướng... Có thể nói không có một ngôn từ nào có thể diễn ta được sự xúc động, tự hào của tôi lúc đó. Mắt tôi đã nhòe đi...

Có thể nói, hàng triệu người dân Việt Nam đã cùng hòa vào nỗi đau chung, sự mất mát không gì có thể bù đắp được. Thưa ông, điều gì đã tạo nên một sức mạnh thống nhất, đồng lòng đến thế?

Tất cả những tình cảm xúc động đó thể hiện Đại tướng là con người của lòng dân, được nhân dân yêu thương, kính trọng vì thế nó bền chặt và sống mãi. Trong lịch sử đã có những vĩ nhân được nhân dân vô kính mến, đó là các anh hùng dân tộc, những người thực sự toàn tâm vì dân, vì nước. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là người hội tụ tất cả những điều cao quý đó! Với tên tuổi của Đại tướng, thì tài năng quân sự thiên bẩm chỉ là bề nổi bên ngoài, điều quan trọng chính là nền tảng, cốt lõi, cội nguồn tính nhân văn bên trong con người ông.

Có thể nói trong lịch sử dân tộc thể kỷ 20, 21 sau Bác Hồ thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tỏa sáng nhất không chỉ đối với dân tộc mà còn tỏa sáng trên trường quốc tế. Hình ảnh của Đại tướng - vị Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam - chính là biểu tượng, sức mạnh, linh hồn của đất nước để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân nhiều thế hệ.

Trong hàng trăm nghìn người dân xếp hàng để vào tiễn biệt Đại tướng tôi chắc chắn, đa số trong đó là chưa bao giờ được gặp Đại tướng ngoài đời. Thế nhưng họ vẫn kiên nhẫn, trật tự xếp hàng với một sự kính cẩn, yêu thương đặc biệt. Điều này thể hiện đức tính ân tình, thủy chung “uống nước nhớ nguồn”, trọng nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. Bia đá có thể mòn nhưng lòng tin yêu, sự kính trọng của nhân dân dành cho Đại tướng thì không gì có thể thay đổi. Người ta cảm thấy Đại tướng linh thiêng như một vị thánh trần gian - một biểu tượng linh hồn của toàn dân tộc, cho nên ngoài sự yêu thương người ta còn mong muốn được Đại tướng tiếp thêm sức mạnh.

Là vị tướng tài ba đức độ, vị Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tướng Giáp mất đi để lại nhiều xúc động cho nhân dân. Theo ông, chúng ta cần có những ghi nhận, tôn vinh như thế nào để xứng đáng với sự hi sinh của Đại tướng dành cho dân tộc?

Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đầy ắp các sự kiện của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Khi hòa bình, Đại tướng lại cùng tham gia cùng với nhân dân, với Đảng để phát triển kinh tế - xã hội.

Những dấu ấn của bác Giáp để lại quá nhiều sâu đậm không chỉ cho riêng tôi mà tất cả mọi người. Chính vì thế, tôi nghĩ Đảng và nhà nước cần có những ghi nhận, tôn vinh kịp thời. Tất nhiên, việc khen thưởng ở mức nào cũng phải tuân theo luật tôn vinh, khen thưởng của nhà nước. Trước đây, với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Đại tướng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Bây giờ chúng ta cần có sự tôn vinh ở mức độ cao hơn với tầm quốc tế như danh hiệu “Anh hùng dân tộc” hoặc cân nhắc xem có cái gì như là “danh nhân văn hóa thế giới” không?

Trong lịch sử nước nhà, chúng ta đã có hai người là Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh được tôn vinh là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn của đất nước. Tôi nghĩ, những đóng góp, hi sinh to lớn của Đại tướng rất xứng đáng với những tôn vinh, ghi nhận này.

Rất nhiều người cho rằng nhà nước cần xây dựng những khu tưởng niệm, đền thờ, bảo tàng, tượng đài với quy mô quốc gia để xứng tầm với những đóng gớp của Đại tướng dành cho dân tộc, hơn hết là để các thế hệ sau có cơ hội hiểu hơn về một huyền thoại của đất nước, ông nghĩ sao?

Việc xây dựng tượng đài hay bảo tàng để tôn vinh Đại tướng theo tôi là cần thiết. Nhưng xây dựng khi nào? Làm như thế nào? Ở đâu? Phải tùy thuộc vào điều kiện khả năng của Đất nước. Tôi cho rằng, nên có bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở hai nơi là Hà Nội và Quảng Bình - hai địa danh gắn liền với cuộc đời của ông nhiều nhất. Các địa danh như nhà ở, nơi làm việc, các chiến khu mà Đại tướng có thời gian công tác, đi qua cũng cần có sự tôn tạo hợp lý thành những nhà lưu niệm. Và nhất là ở nơi Đại tướng làm nên lịch sử như trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu thì cũng nên có những khu trưng bày tưởng niệm như thế!

Xin cảm ơn ông!

Xuân Ngọc - Hà Trang