1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cần Thơ có nhiều con đường “lạ”

Nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ đã bị “chết” tên thành những món khoái khẩu.

5 giờ sáng ngày cuối tuần, đang lơ mơ ngủ thì điện thoại báo tin nhắn inh ỏi. Mở máy lên, tôi choáng khi đọc những dòng tin nhắn của ông bạn: “Đúng 8 giờ có mặt ở đường thịt cầy nhe cha nội!”. Tôi nhắn hỏi đường đường thịt cầy là đường nào thì nhận tiếp dòng tin nhắn như muốn quát tháo: “Ông xuống Cần Thơ hơn 10 năm rồi mà không biết đường đó à? Là đường Trần Văn Hoài đó!”.

Từ đường thịt cầy…

Tuy mới sáng sớm nhưng quán cầy T.V đã có 4 bàn có khách. Vừa kéo tôi ngồi xuống, ông bạn vừa giãi bày: “Cả tuần nay đi công tác Sóc Trăng nhưng chẳng thấy quán cầy nào vừa miệng như quán này nên vừa về tới là tui gọi ông liền”. Ông khách ngồi bàn bên cạnh đã ngà ngà say, nghe lỏm câu chuyện, tỏ ra rất phấn khích. “Bởi vậy, bọn nhậu mình mới đặt con đường này là đường thịt cầy đó 2 chiến hữu” - ông nói rồi cười hể hả.
 
Quán nhậu Tại bàn dê (Dê tại bàn) trên đường Võ Văn Kiệt.
Quán nhậu Tại bàn dê (Dê tại bàn) trên đường Võ Văn Kiệt.

Năm 2002, tôi và ông bạn đến vùng đất Tây Đô này lập nghiệp thì tuyến đường mang tên 1 cán bộ chỉ huy quân sự thời chống Pháp là Trần Văn Hoài (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) cũng vừa mới làm xong. Lúc ấy, tuyến đường dài khoảng 700 m chỉ có vài căn nhà, trong đó quán thịt cầy T.V được xem là quán nhậu “mở đường”. Sau đó không lâu, hàng chục quán cầy đua nhau mọc lên, như: C.U, S.H, B.D, C.V…

Hồi ấy, cứ mỗi chiều hết giờ làm việc thì dân nhậu kéo nhau đến đây như trẩy hội. Hiện nay, một số quán cầy đã dời sang những tuyến đường khác nên đường Trần Văn Hoài chỉ còn lại 5 quán. Thế nhưng, dân nhậu vẫn quen gọi đường này là đường thịt cầy. “Lúc đầu chỉ vài người gọi dí dỏm khi rượu vào lời ra nhưng dần dần thì “chết” tên luôn rồi” - một chủ quán thịt cầy ở đây cho biết.

... Đến đường ba khía, dê xối xả

Đường Đinh Tiên Hoàng (phường Thới Bình, quận Ninh Kiều) được hình thành cách nay vài năm nhưng hầu hết phần mặt tiền đều là quán nhậu bình dân, trong đó món “ba khía” là chủ lực. Vì vậy, khách ở xa đến Cần Thơ đều được dân “thổ địa” dắt đến đây thưởng thức món “ba khía rang muối”, “ba khía rang me”… Và tên “đường ba khía” hình thành lúc nào cũng chẳng ai nhớ.

Cách “đường ba khía” khoảng 3 km là đường Võ Văn Kiệt, một trong những con đường đẹp nhất Cần Thơ vừa được đưa vào lưu thông hồi tháng 4-2012. Đây là tuyến đường ăn nhậu nổi tiếng chuyên phục vụ món dê. Lúc mới khai trương, các quán trương bảng hiệu rất “bốc”: Dê bốc lửa, Dê xối xả, Dê bốn mùa, Dê tại bàn…

Bị dư luận phản ánh vì tên quán... kỳ quá, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ phối hợp với một số ngành chức năng cử cán bộ đến vận động các chủ quán đổi lại tên. Hiện tại, “Dê xối xả” và “Dê bốc lửa” đã được thay thế bằng tên khác hoặc di dời sang địa điểm kinh doanh mới, chỉ còn 2 trong 8 quán dê vẫn còn giữ nguyên tên cũ là quán “Dê bốn mùa” và quán “Dê tại bàn”. Trong đó, “Dê tại bàn” đổi bảng hiệu nằm ngoài mặt tiền thành... “Tại bàn dê”, còn bảng hiệu cũ vẫn đặt phía trong quán.
 
Đường mít, đường ấu
Trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, do nhiều người dân bày bán mít nên được cánh tài xế quen gọi là “đường mít”. Còn tuyến đường tránh nội ô TP Vĩnh Long do có nhiều hộ dân trồng ấu đem ấu ra đổ ven đường chào bán nên được gọi là “đường ấu”.
 
Theo Phạm Công
Người lao động