Cạn nước mắt ngóng tin hai chiến sỹ biên phòng bị lũ cuốn
(Dân trí) - Đã 4 ngày trôi qua, dù lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm từng khúc sông, lùm cây, bụi cỏ nhưng những thông tin về hai chiến sỹ biên phòng (Đồn biên phòng Yên Khương, Lang Chánh, Thanh Hóa) vẫn bặt vô âm tín. Người thân của các anh dù đã cạn nước mắt vẫn từng giây, từng phút mỏi mòn chờ tin.
“Con tôi nhận công tác mới được 1 tháng”
Chúng tôi tìm đến căn nhà của Đại úy Nguyễn Thành Chủng ở Nông Cống- nơi cơn lũ lịch sử cũng ập đến. Không khí trầm mặc đến đáng sợ. Căn nhà dường như mới xây còn chưa kịp quét vôi, sau cơn lũ vừa rồi, không chỗ nào là không thấm dột.
Chỉ có người cha già và hai con của anh ở nhà. Đôi mắt của ông Lê Tất Ảnh (bố vợ anh) dường như từ ngày nghe tin dữ về anh, ông chưa hề chợp mắt.
Nhắc đến anh, nước mắt ông chảy ròng ròng, tiếng thở dài của người cha ấy nghe sao mà xót xa. Ông bảo: “Vợ chồng nó vất vả bao nhiêu năm. Trước đây nó công tác ở trong Nam. Vợ chồng đưa nhau vào đó sinh sống. Vợ thì không có công ăn việc làm, đến khi xin được việc cho vợ thì lại nhận lệnh điều về Bắc. Vợ chồng lại đưa nhau về. Con tôi vừa nhận nơi công tác mới được khoảng 1 tháng thôi. Tưởng đến giờ là ổn định, ai ngờ…”.
“Vợ nó (chị Lê Thị Thức – PV) sau khi nhận tin dữ của chồng, cơm chẳng buồn ăn, nước chẳng buồn uống, chỉ biết ngồi ôm con mà khóc ngày, khóc đêm. Nhiều lần muốn lao ra mưa gió, vượt qua lũ dữ để lên đơn vị chồng tham gia tìm kiếm nhưng mọi người cản không cho nó đi. Mà đi làm sao được khi nước lũ ngập hết cả huyện Nông Cống này” – ông ngậm ngùi.
Mãi đến tận hơn 9h sáng ngày 14/10, khi nước rút bớt, chị Thức mới được người thân đưa đến nơi tìm kiếm để chờ tin chồng.
“Nếu chẳng may tia hy vọng cuối cùng cũng không còn thì gia đình vẫn mong tìm thấy thi thể con để đưa về quê an táng” - ông Ảnh tâm sự.
Mẹ già cạn nước mắt
Trong căn nhà của Thượng tá Cao Đăng Cường ở phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn cũng vậy. Mẹ già của anh, bà Bùi Thị Xuân đã cạn kiệt nước mắt sau khi nghe tin con gặp nạn. Trong tiếng khóc khản giọng của bà là tiếng gọi “về đi con” đến thắt ruột gan.
Bà Xuân dù sức khỏe rất yếu, bà bị bệnh tim, khó thở đang nằm viện nhưng khi biết tin con gặp nạn, bà một mực đòi về nhà, không ăn uống gì, chỉ khóc ngóng chờ tin con. Dường như trong sâu thẳm tâm can, bà vẫn không hết nuôi hy vọng dù là mong manh, bà vẫn tin con trai bà còn sống.
Mẹ già và các con của Thượng tá Cường đau đớn khi không có tin tức gì về cha
Ngồi bên cạnh bà nội, cháu Cao Đăng Trung Kiên (con trai Thượng tá Cường) nghẹn ngào: “Tối ngày 10/10, khi ấy trời mưa rất to, mẹ cháu sốt ruột gọi điện mãi nhưng không được. Sau đó thì nhận được tin đồn biên phòng báo bố cháu bị nước lũ cuốn trôi. Sáng sớm hôm sau cháu lên trên đó, nước lũ to và chảy xiết khiến việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn”.
Là con trai cả trong nhà, Kiên mới học xong lớp 12. Ước mơ của em là muốn theo nghiệp của bố, vừa rồi trường đại học có giấy báo trúng tuyển nhưng em không đi mà ở nhà chờ tin bố.
Con sông Âm vẫn cuồn cuộn sóng, từng cơn mưa rừng tầm tã khiến nước lũ xối xả dội về. Nơi rừng thiêng nước độc lạnh lẽo ấy, hy vọng mong manh dần dần lụi tắt khi lực lượng tìm kiếm được một số vật dụng, quân trang của thượng tá Cường.
Tư trang tìm thấy được cho là của Thượng tá Cao Đăng Cường
Trước đó vào18 giờ 45 phút, ngày 10/10, 2 cán bộ thuộc Đồn Biên phòng Yên Khương gồm: Thượng tá Cao Đăng Cường (SN 1972) và Đại úy, Nguyễn Thành Chủng (1975), trong khi đi phối hợp với xã Yên Khương hỗ trợ nhân dân địa phương phòng chống lũ lụt bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi.
Sau 4 ngày tìm kiếm, chiều ngày 13/10, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện quân phục, ví và một số bộ phận của chiếc xe ô tô mà các cán bộ biên phòng đi. Vị trí phát hiện cách khu vực hiện trường hơn 2 km về phía hạ du. Số đồ dùng cá nhân trên được xác định là của Thượng tá Cao Đăng Cường, Chính trị viên đồn Biên phòng Yên Khương.
Chính quyền địa phương vẫn tiếp tục huy động lực lượng phối hợp với nhân dân các xã ven sông Âm triển khai công tác tìm kiếm dọc sông và mở rộng xuôi về phía hạ lưu.
Nguyễn Thùy