1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí:

Cần đưa ý thức tiết kiệm đến từng người dân

(Dân trí) - Chiều nay 25/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận dự thảo Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Với chủ trương “tiết kiệm là quốc sách”, và phương châm “xây trước, chống sau”, UBTVQH đề nghị được giữ tên Luật là “Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí”.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, với mong muốn đưa ý thức thực hành tiết kiệm là quốc sách đến với mọi người dân, do đó, đối tượng điều chỉnh không chỉ là khu vực nhà nước mà thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng cán bộ, công chức và từng người dân.

 

Luật qui định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân sẽ hướng hoạt động của mọi người dân tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, dành vốn cho đầu tư, phát triển, góp phần xây dựng đất nước và cải thiện đời sống của chính bản thân họ.

 

Vẫn với quan điểm “công khai để thực hành tiết kiệm”, nhiều ý kiến đề nghị cần công khai một số nội dung như: các khoản viện trợ nước ngoài, nguồn vốn đầu tư, quy hoạch, các quĩ do nhân dân đóng góp, tiêu chuẩn trong sử dụng tiền, tài sản của nhà nước… UBTVQH đã tiếp thu và bổ sung qui định về công khai tài sản và kế hoạch mua sắm, sử dụng tài sản của các tổ chức, cơ quan có sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước, công khai nguồn vốn đầu tư, công khai về qui hoạch…

 

Để việc thực hành tiết kiệm có hiệu quả, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, tiền và tài sản của nhà nước  cũng được qui định cụ thể. Những người đứng đầu cơ quan, đơn vị này phải có trách nhiệm tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ các qui định về thực hành tiết kiệm như cán bộ, công chức. Ngoài ra, khi nhận được tin báo của công dân, phải kiểm tra, xem xét để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời và phải trả lời bằng văn bản cho người phát hiện.

 

Điều 11 của dự thảo luật có qui định về “lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán kinh phí ngân sách nhà nước”, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, UBTVQH quyết định bổ xung cụm từ “công bằng, công khai, minh bạch” vào khoản 1 của điều này.  Theo đó, “Việc lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán kinh phí ngân sách nhà nước phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và tiết kiệm”.

 

Việc lãng phí trong mua sắm, trang bị phương tiện đi lại là vấn đề khá bức xúc bấy lâu nay. Chính vì vậy, có ý kiến đề nghị cần qui định cụ thể định mức, tiêu chuẩn trong mua sắm, trang bị phương tiện đi lại. Tuy nhiên, giải trình của UBTVQH cho rằng, những tiêu chuẩn, định mức này đang được thực hiện theo qui định của Chính phủ, trong luật chỉ đề cập đến trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm theo đúng tiêu chuẩn, chế độ đã ban hành.

 

Về quản lý, sử dụng khoản hoa hồng (điều 19), dự thảo luật qui định các cơ quan, tổ chức phải thực hiện chế độ công khai các khoản mua sắm, sửa chữa cơ quan. Đây là căn cứ để mọi người giám sát việc mua sắm của cơ quan.

 

Nhiều năm qua, lãng phí trong việc đầu tư cho các công trình khoa học thiếu tính thực tiến khiến có nhiều ý kiến đề nghị  chỉ quyết toán khi đề tài khoa học được nghiệm thu, có kết quả ứng dụng. Thậm chí, nếu không được áp dụng vào thực tiến thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nghiên cứu phải có trách nhiệm bồi thường…

 

Tuy nhiên, giải trình của UBTVQH cho rằng việc nghiên cứu ứng dụng phải có thời gian dài và khó xác định, hơn nữa, việc ứng dụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nên qui định như vậy là không phù hợp với thực tế. UBTVQH cũng tiếp thu ý kiến và sửa luật theo hướng việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, khách quan và phương thức tuyển chọn phải theo qui định của pháp luật về đấu thầu.

 

Thời gian qua, tình trạng lãng phí thời gian lao động được nhắc đến nhiều, chính vì vậy, điều 53 qui định việc tổ chức các buổi toạ đàm, lễ kỷ niệm, phải đảm bảo đúng mục đích, thành phần và đối tượng. Cán bộ, công chức cũng phải sử dụng thời gian lao động có hiệu quả, nghiêm cấm sử dụng thời gian lao động vào việc riêng.

 

Việc tổ chức thực hành tiết kiệm  chống lãng phí trong nhân dân được bổ xung  qui định là các phương tiện thông tin đại chúng phải kịp thời  tuyên truyền thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo dư luận xã hội lên án, phê phán mạnh mẽ các hành vi lãng phí trong nhân dân.

 

Điều 77 của dự thảo luật cũng qui định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc định kỳ báo cáo tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với HĐND cùng cấp tại các kỳ hợp đồng thời báo cáo UBND cấp trên hoặc Chính phủ.

 

Trong mỗi điều của dự thảo luật đều thể hiện rõ ba nội dung: qui định bắt buộc, hành vi bị nghiêm cấm và qui định trách nhiệm cụ thể hoặc chế tài sử lý vi phạm. Dự thảo lần này cũng có bổ xung thêm qui định về bồi thường thiệt hại (Điều 82), hình thức xử lý kỷ luật và thẩm quyền xử lý (Điều 83) và truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 85)…

 

Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 16/11/2005.

 

Đức Hoà - Hồng Hạnh