1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần có "biện pháp mạnh" để giảm giá thịt lợn

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giảm giá lợn hơi từ 1/4, tuy nhiên giá thịt lợn ngoài chợ, siêu thị vẫn cao. Có ý kiến cho rằng, cần đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá, thậm chí phải áp giá trần.

Trước đó, ngày 30/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn giải pháp quyết tâm đưa giá thịt lợn hơi xuống 60.000 đồng/kg. Trước mắt, đưa giá từ 75.000 đồng/kg xuống mức 70.000 đồng; và lộ trình đến cuối quý II và quý III của năm 2020 sẽ xuống mức 65.000 đồng đến 60.000 đồng/kg.

Kết thúc cuộc làm việc, 15/15 doanh nghiệp chăn nuôi đã cam kết sẽ đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4.

Thông tin trên khiến người tiêu dùng phấn khởi và tin tưởng sau ngày 1/4 giá thịt lợn ngoài chợ, siêu thị sẽ giảm. Tuy nhiên, giá thịt lợn ngoài chợ những ngày sau 1/4 vẫn ở mức cao; thậm chí vài ngày gần đây, giá lợn hơi cả 3 miền Bắc-Trung-Nam có xu hướng tăng cao trở lại.

Giải thích về câu chuyện trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: "Nguồn cung thiếu do dịch tả lợn châu Phi, giá thành sản xuất cao do phải đảm bảo an toàn sinh học, nhiều khâu trung gian trong chuỗi cung ứng thịt lợn là những nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn cao như giai đoạn vừa qua".

Trước bối cảnh giá mặt thịt lợn chưa có dấu hiệu giảm trong thời gian dài, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng: Chính phủ nên nghĩ tới đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá, yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai giá.

"Thậm chí nhà nước cần áp dụng biện pháp mạnh mà pháp luật cho phép là áp giá trần đối với mặt hàng thịt lợn và mỗi 1 lần tăng giá vượt quá 5% theo quy định của Luật giá thì thì doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước" - ông Đông nhấn mạnh.

Cần có biện pháp mạnh để giảm giá thịt lợn - 1

Cần đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá.

Còn đối với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường đưa ra các nhóm giải pháp sau: Trước mắt, Bộ này sẽ cùng với Bộ Công thương, các địa phương tìm giải pháp "cắt bớt" khâu trung gian trong chuỗi cung ứng nói trên, để làm sao giữa các khâu sản xuất - chế biến đến khâu tiêu dùng phải ngắn nhất. 

Một giải pháp tình thế nữa được ông Cường đưa ra, đó là: Hiện tại, nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn thiếu, do đó, Bộ này sẽ kiến nghị nhập thêm thịt lợn từ bên ngoài về với số lượng phù hợp để cân đối cung - cầu trong nước.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho biết, 2 giải pháp nói trên mới là trước mắt, muốn giải quyết tận "gốc rễ" của câu chuyện này phải thúc đẩy tái đàn lợn thật nhanh, nhưng phải an toàn.

Ông Cường cho biết, hiện ngành chăn nuôi đang ở thời điểm "vàng" để thực hiện tái đàn lợn, bởi dịch tả lợn châu Phi đã lắng xuống; các đối tượng chăn nuôi từ nhỏ lẻ hay quy mô lớn đều có kinh nghiệm áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học được rút ra từ "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi vừa qua.

Bên cạnh đó, mặc dù dịch tả lợn châu Phi "càn quét" từ tháng 2/2019 đến đầu năm 2020, nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn giữ được 109.000 con lợn cụ, kỵ, ông, bà và gần 2,7 triệu con lợn nái là cơ sở rất tốt cho việc tái đàn thời gian tới.

Theo ông Cường, một yếu tố nữa khiến ngành chăn nuôi Việt Nam tự tin cho việc tái đàn, đó là vẫn duy trì đảm bảo được 20 triệu tấn cám; hệ thống thú y, dịch vụ nhiều mặt về chăn nuôi vẫn đảm bảo.

"Tốc độ tái đàn lợn quý I/2020 vừa qua chúng ta đạt 6,3% so với cuối năm 2019, đạt 24 triệu con. Với đà này chúng tôi nhận định quý III đầu quý IV/2020 chúng ta sẽ đạt số lượng đàn lợn bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018. Lúc đó chúng ta có đủ khối lượng lợn để cung cấp cho thị trường" - ông Cường nhận định.

Nguyễn Dương