Bộ Nông nghiệp làm gì để kéo giảm giá thịt lợn?
(Dân trí) - Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới sẽ cùng với Bộ Công thương, các địa phương tìm giải pháp "cắt bớt" khâu trung gian trong chuỗi cung ứng nhằm giảm giá thịt lợn.
Trước đó, ngày 30/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn giải pháp quyết tâm đưa giá thịt lợn hơi xuống 60.000 đồng/kg. Trước mắt, đưa giá từ 75.000 đồng/kg xuống mức 70.000 đồng; và lộ trình đến cuối quý II và quý III của năm 2020 sẽ xuống mức 65.000 đồng đến 60.000 đồng/kg.
Kết thúc cuộc làm việc, 15/15 doanh nghiệp chăn nuôi đã cam kết sẽ đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4.
Thông tin trên khiến người tiêu dùng phấn khởi và tin tưởng sau ngày 1/4 giá thịt lợn ngoài chợ, siêu thị sẽ giảm. Tuy nhiên, giá thịt lợn ngoài chợ những ngày sau 1/4 vẫn ở mức cao, người tiêu dùng thắc mắc thì có tiểu thương đã nói vui rằng "muốn mua lợn rẻ thì lên tivi mà mua".
Giải thích về câu chuyện trên, ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sở dĩ thịt lợn ngoài chợ vẫn cao là còn nhiều khâu trung gian trong chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất - chế biến - tiêu dùng.
Bộ trưởng Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 khiến đàn lợn của nước ta thiệt hại mất 20%, khối lượng thịt lợn thiệt hại mất 9,3 %. Đây là thiệt hại rất lớn, không chỉ cho người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng tới thị trường giá cả thịt lợn suốt thời gian dài vừa qua, mà hiện tại giá thịt lợn đang ở mức cao.
"Nguồn cung thiếu do dịch tả lợn châu Phi, giá thành sản xuất cao do phải đảm bảo an toàn sinh học, nhiều khâu trung gian trong chuỗi cung ứng thịt lợn là những nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn cao như giai đoạn vừa qua" - ông Cường cho biết.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Cường đưa ra các nhóm giải pháp sau: Trước mắt, Bộ này sẽ cùng với Bộ Công thương, các địa phương tìm giải pháp "cắt bớt" khâu trung gian trong chuỗi cung ứng nói trên, để làm sao giữa các khâu sản xuất - chế biến đến khâu tiêu dùng phải ngắn nhất.
Một giải pháp tình thế nữa được ông Cường đưa ra, đó là: Hiện tại, nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn thiếu, do đó, Bộ này sẽ kiến nghị nhập thêm thịt lợn từ bên ngoài về với số lượng phù hợp để cân đối cung - cầu trong nước.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho biết, 2 giải pháp nói trên mới là trước mắt, muốn giải quyết tận "gốc rễ" của câu chuyện này phải thúc đẩy tái đàn lợn thật nhanh, nhưng phải an toàn.
Ông Cường cho biết, hiện ngành chăn nuôi đang ở thời điểm "vàng" để thực hiện tái đàn lợn, bởi dịch tả lợn châu Phi đã lắng xuống; các đối tượng chăn nuôi từ nhỏ lẻ hay quy mô lớn đều có kinh nghiệm áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học được rút ra từ "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi vừa qua.
Bên cạnh đó, mặc dù dịch tả lợn châu Phi "càn quét" từ tháng 2/2019 đến đầu năm 2020, nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn giữ được 109.000 con lợn cụ, kỵ, ông, bà và gần 2,7 triệu con lợn nái là cơ sở rất tốt cho việc tái đàn thời gian tới.
Theo ông Cường, một yếu tố nữa khiến ngành chăn nuôi Việt Nam tự tin cho việc tái đàn, đó là vẫn duy trì đảm bảo được 20 triệu tấn cám; hệ thống thú y, dịch vụ nhiều mặt về chăn nuôi vẫn đảm bảo.
"Tốc độ tái đàn lợn quý I/2020 vừa qua chúng ta đạt 6,3% so với cuối năm 2019, đạt 24 triệu con. Với đà này chúng tôi nhận định quý III đầu quý IV/2020 chúng ta sẽ đạt số lượng đàn lợn bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018. Lúc đó chúng ta có đủ khối lượng lợn để cung cấp cho thị trường" - ông Cường nhận định.
Nguyễn Dương