(Dân trí) - Sau hơn 24 tháng thi công, "siêu" công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) có vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đã hoàn thành. Công trình sẽ bắt đầu kiểm soát nước mặn, ngọt, lợ từ đầu mùa khô 2022.
Cận cảnh "siêu" công trình thủy lợi lớn nhất miền Tây
Sau hơn 24 tháng thi công, "siêu" công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) có vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đã hoàn thành. Công trình sẽ bắt đầu kiểm soát nước mặn, ngọt, lợ từ đầu mùa khô 2022.
Vượt đại dịch, công trình hoàn thành đúng tiến độ
Sau khi lấy ý kiến Bộ ngành Trung ương và nhiều nhà khoa học, siêu công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (huyện Châu Thành, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) được Bộ NN&PTNT chính thức khởi công vào tháng 11/2019, với tổng mức đầu tư có dự án hơn 3.309 tỷ đồng.
Công trình do Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 10 (thuộc Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư; thời gian thi công dự kiến 24 tháng.
Theo mô tả của Bộ NN&PTNT, dự án có mục tiêu kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang.
"Siêu" công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé gồm: cống Cái Lớn, cống Cái Bé; hạng mục xây dựng để nối 2 cống trên với quốc lộ 61. Sở NN&PTNT Kiên Giang và Sở NN&PTNT Hậu Giang làm chủ đầu tư hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phụ công trình trên địa bàn mỗi tỉnh.
Theo thiết kế, cống Cái Lớn xây dựng dưới lòng sông Cái Lớn, cách cầu Cái Lớn 2,1 km về hướng sông Hậu. Cống rộng 470 m với một âu thuyền rộng 15 m và 11 cửa để vận hành đóng - mở; mỗi cửa rộng 40 m, chiều cao cánh cửa khoảng 9 m, trụ chính của cống cao 48 m...
Cống Cái Bé xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, cách cầu Cái Bé 1,9 km về hướng sông Hậu, rộng 85 m với một âu thuyền rộng 15 m. Ngoài ra còn có cống Xẻo Rô cách cống Cái Lớn 3 km, có chiều rộng 41,5 m. Cùng với đó là 6 km đường đê, đường giao thông kết nối các công trình…
Từ khi khởi công xây dựng, "siêu" công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên với sự nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu đã hoàn thành công trình như kế hoạch đặt ra.
Kiểm soát mặn, ngọt, lợ... ổn định sinh kế cho người dân
Ngày 24/12, đại diện chủ đầu tư cho biết, Bộ NN&PTNT vừa ban hành quy trình vận hành tạm thời hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trong thời gian 2 năm.
Nguyên tắc vận hành công trình này là thống nhất trong toàn hệ thống, không chia cắt theo địa giới hành chính; bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho người và tài sản trong khu vực, hài hòa lợi ích giữa các nhu cầu sử dụng nước, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của công trình thủy lợi.
Việc vận hành không làm thay đổi nguồn nước của các hệ sinh thái hiện tại (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên); không để xảy ra tranh chấp về nguồn nước, cũng như hạn chế tác động bất lợi đến các vùng liên quan; không vượt quá các chỉ tiêu thiết kế công trình và năng lực thực tế của hệ thống.
Thời gian vận hành công trình chia làm 2 mùa: mùa khô tính từ đầu tháng 12 đến hết tháng 4 năm sau; mùa mưa tính từ tháng 5 đến tháng 11. Quy trình vận hành tạm thời nêu trên sẽ được vận hành thử nghiệm trong 2 năm, sau đó sẽ được xem xét sửa đổi, bổ sung và phê duyệt quy trình vận hành chính thức.
Theo Bộ NN&PTNT công trình Cái Lớn - Cái Bé là kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt, lợ), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha.
Ngoài ra, công trình này còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất…
Lãnh đạo Ban quản lý đầu tư và xây dựng công trình thủy lợi 10 cho biết, hiện nay toàn bộ dự án này cơ bản hoàn thành, khi nào độ mặn lên cao sẽ triển khai vận hành theo quy trình của Bộ NN&PTNT vừa ban hành, nhằm kịp thời bảo vệ xâm nhập mặn khi vùng ĐBSCL bước vào mùa khô năm 2021 - 2022.