1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng:

Cán bộ trẻ vẫn khó phát triển

Hiến kế đột phá trong xây dựng, bổ nhiệm cán bộ trẻ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước là một trong những nội dung chủ đạo đáng chú ý tại Hội nghị nhà báo trẻ đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII do T.Ư Đoàn tổ chức, sáng 30/9, tại Hà Nội.

 


Các nhà báo tham dự hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ngày 30/9. Ảnh: Ngọc Thắng.

Các nhà báo tham dự hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII ngày 30/9. Ảnh: Ngọc Thắng.

 

Giải bài toán lãnh đạo trẻ

Nhà báo Văn Kiên (báo Tiền Phong) cho biết, các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ còn quá chặt chẽ về thời gian công tác, kinh nghiệm mà ít xem xét khả năng trí tuệ, tài năng làm việc dẫn đến sự hạn chế trong bổ nhiệm cán bộ. Đơn cử như Quyết định 82 của Bộ Nội vụ khiến cho người trẻ (ở độ tuổi khoảng 35-40 trở xuống) được bổ nhiệm làm giám đốc sở, phó chủ tịch tỉnh, chủ tịch tỉnh… ở nước ta vô cùng hiếm; trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, 40 tuổi nhiều người đã làm tổng thống, thủ tướng.

Thêm minh chứng qua kết quả bầu cử tại Đại hội Đảng bộ 15 tỉnh vừa qua, chỉ duy nhất Lào Cai đạt được tỷ lệ 10% cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi). Thậm chí, tại nhiều tỉnh, tỷ lệ này rất thấp như Thái Bình chỉ đạt 1,85%, Hòa Bình đạt 3,7%. Nhà báo Kiên phân tích: Thông thường, một người tốt nghiệp đại học ở tuổi 22, nếu “may mắn” xin được vào cơ quan nhà nước, họ phải mất 1 năm tập sự. Sau đó, nếu phấn đấu thì 9 năm sau, tức ở tuổi 32, 33 mới đủ điều kiện để thi chuyên viên chính. Cộng vào đó, họ phải mất 1 đến 2 năm học cao cấp chính trị, như vậy là đã bước vào tuổi 34-35. Một cá nhân thực sự may mắn, nhà có điều kiện kinh tế không phải chật vật mưu sinh mới hội tụ đủ tiêu chuẩn để trở thành giám đốc sở. Do đó, theo anh Kiên, cần đột phá, đổi mới quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ theo hướng giảm thời gian công tác, tăng cường thi tuyển, các cấp ủy Đảng phải thực hiện và vào cuộc quyết liệt mới có cán bộ trẻ.

Về công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trẻ cho đất nước, đại diện báo Đại đoàn kết đề xuất cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng về môi trường, điều kiện làm việc, bố trí đúng chuyên môn, năng lực và được trả công thỏa đáng.

Xây dựng những tập đoàn đa dụng

Theo các đại biểu, những nước có nền công nghiệp phát triển cũng chính là những nước có nền công nghiệp quốc phòng rất mạnh, làm chủ vũ khí.

“Những góp ý, hiến kế của đội ngũ nhà báo trẻ vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thực sự trí tuệ, sáng tạo về nhiều mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. T.Ư Đoàn tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu, tập hợp kết tinh trí tuệ trẻ trong nhiều lực lượng gửi tới ĐH Đảng toàn quốc”.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải

Nhà báo Thu Trang (báo Quân đội Nhân dân) đề xuất: Muốn vậy, phải có nền công nghiệp đủ mạnh, xây dựng những tập đoàn, nhà máy đa dụng, đa chức năng để kết hợp vừa sản xuất phục vụ kinh tế vừa có thể trở thành các dây chuyền máy móc sản xuất trang thiết bị vũ khí. Các nhà máy công nghiệp quốc phòng trong thời bình ngoài việc sản xuất sản phẩm quân sự cần phải tham gia sản xuất mặt hàng dân sự chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, thực hiện việc chuyển giao công nghệ 2 chiều, từ công nghệ quốc phòng vào công nghệ dân dụng và ngược lại.

Đại diện báo Quân đội Nhân dân cho biết thêm, thời gian gần đây, nhiều dự án kinh tế do không chú trọng tới vấn đề an ninh quốc phòng đã vấp phải sự phản ứng của nhân dân. Vì vậy, việc kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh theo lãnh thổ là sự gắn kết chặt chẽ phát triển vùng kinh tế chiến lược với xây dựng vùng chiến lược quốc phòng, an ninh.

Bàn về một trong những lực lượng giúp Việt Nam phát triển kinh tế và vươn ra biển lớn là đội ngũ doanh nhân, nhà báo Anh Vũ (báo Thanh niên) cho rằng, nước ta đã hình thành được thế hệ doanh nhân năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với khó khăn thử thách. Tuy nhiều năm qua nhà nước đã có sự hỗ trợ đội ngũ này nhưng chưa đủ, thậm chí là thiếu một chiến lược bài bản từ chính sách đến cách thức thực hiện. Thực tế chứng minh, lực lượng doanh nhân chưa tạo dựng được thương hiệu Việt uy tín có sức lan tỏa, chi phối trong khu vực, trên thế giới.

“Xu hướng hội nhập, làn sóng xâm lấn và thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp nội cần được quan tâm nhiều hơn nữa về vốn (giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế) để nâng cao sức cạnh tranh. Điều doanh nhân cần nhất cuối cùng vẫn là môi trường đầu tư thực sự cạnh tranh bình đẳng, thông thoáng và một thể chế chính sách đơn giản, dễ hiểu, nhất quán”, nhà báo Anh Vũ đề xuất.

Theo Phương Hiếu
Tiền Phong