Cán bộ liên quan văn bản trái luật vẫn bình an, không bị kỷ luật
(Dân trí) - Hàng nghìn văn bản có nội dung trái luật bị "tuýt còi" những năm qua; nhiều cơ quan chậm trễ xử lý hoặc xử lý không đúng hình thức. Cán bộ liên quan văn bản trái luật vẫn bình an, không bị kỷ luật.
Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết việc kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Từ năm 2016 đến hết năm 2023, các bộ, cơ quan ngang bộ (gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã tiếp nhận, phân loại 171.600 văn bản.
Kết quả, cả nước đã phát hiện và kết luận 4.294 văn bản có nội dung, thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Riêng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã tiếp nhận, phân loại gần 38.200 văn bản, qua đó phát hiện, kết luận, kiến nghị xử lý 1.040 văn bản có nội dung, thẩm quyền chưa phù hợp với quy định pháp luật (170 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 870 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh).
Bị "tuýt còi" vì văn bản trái luật vẫn chậm trễ, không chịu sửa
Ông Huy nói Bộ Tư pháp luôn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra văn bản theo các chuyên đề suốt nhiều năm qua, như: Đấu giá tài sản và đấu giá quyền sử dụng đất; kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và văn bản về thuế, hải quan; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa - thể thao và du lịch; giáo dục; tài nguyên, môi trường; nội vụ; giao thông vận tải; huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19…
"Mỗi chuyên đề đã thu thập, kiểm tra đối với hàng trăm văn bản và phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều văn bản không phù hợp với quy định của pháp luật. Thực tế, vẫn còn văn bản có hiệu lực một thời gian khá dài mới được kiểm tra, phát hiện nội dung trái pháp luật", ông Huy nêu thực trạng.
Hoạt động kiểm tra văn bản theo thẩm quyền và hoạt động tự kiểm tra của một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Nhiều văn bản chỉ phát hiện có quy định trái pháp luật khi được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tổ chức kiểm tra.
Đáng lo ngại hơn, theo Cục trưởng Hồ Quang Huy, một số văn bản trái pháp luật chậm được xử lý hoặc xử lý không đúng hình thức.
Khoản 1 Điều 125 Nghị định 34/2016 nêu rõ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận kiểm tra về văn bản trái pháp luật, cơ quan, người ban hành văn bản phải tổ chức xem xét, xử lý văn bản đó và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản.
"Dù đa số văn bản trái pháp luật đã được xử lý, nhưng vẫn có một số văn bản không được xử lý theo đúng thời hạn, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, có những văn bản phải báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý", ông Huy thông tin.
Đó là chưa kể việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình tổ chức kiểm tra, xác định nội dung trái pháp luật của văn bản chưa thực sự hiệu quả.
Từ đó, ông Huy cho rằng đã dẫn đến việc xử lý văn bản bị chậm trễ, không đúng thời hạn quy định, làm cho văn bản trái pháp luật tiếp tục có hiệu lực trên thực tiễn, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ban hành văn bản trái luật, cán bộ vẫn… bình an
Cục trưởng Kiểm tra văn bản dẫn quy định tại khoản 2 điều 134 Nghị định 34/2016 về xem xét trách nhiệm khi ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật.
"Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức", ông Huy dẫn quy định và bình luận các quy định này vẫn chung chung, mang tính chất nguyên tắc nên gây vướng mắc khi áp dụng.
Vấn đề khắc phục hậu quả do ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra dù đã được đề cập tại Nghị định 34, song cũng chưa có quy định cụ thể để xác định hậu quả, cơ quan thực hiện, nguồn lực để bảo đảm thực hiện, trình tự, thủ tục thực hiện khắc phục hậu quả....
Do đó, ông Huy nhấn mạnh, các quy định này hầu như không được thực hiện trên thực tế. Cơ sở pháp lý để quy định chi tiết về những vấn đề đó cũng chưa thực sự đầy đủ và vững chắc bởi hiện nay Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa giao Chính phủ quy định chi tiết.
Ông đề nghị cần nghiên cứu để có quy định mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.
Ngoài ra, theo luật hiện hành, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không phải đối tượng của hoạt động kiểm tra văn bản dù hàng năm được ban hành với số lượng lớn, là cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương các cấp.
"Việc thực hiện thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong xử lý văn bản trái pháp luật cần tiếp tục nghiên cứu, quy định theo hướng nhằm bảo đảm linh hoạt, kịp thời trong xử lý văn bản trái pháp luật", Cục trưởng Hồ Quang Huy nêu quan điểm.
Cần Thơ "hứa" tiếp thu ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản
Như Dân trí phản ánh, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), vừa ký văn bản Kết luận kiểm tra Quyết định số 798/2024 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành Quy chế tổ chức họp báo của UBND TP Cần Thơ vì có nhiều nội dung trái luật, chưa phù hợp.
Căn cứ vào hậu quả gây ra đối với xã hội và mức độ lỗi của cơ quan, người ban hành văn bản, tham mưu ban hành, UBND TP Cần Thơ cần tổ chức xem xét, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân liên quan.
Việc xử lý văn bản phải được Cần Thơ thông báo cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận kiểm tra này.
Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất chỉnh sửa quy định nêu trên.