1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội: Người ký công văn "dừng tách thửa đất" có bị kỷ luật?

Thế Kha

(Dân trí) - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam ký Công văn số 1685 yêu cầu "tạm dừng chia tách thửa đất" có nội dung trái luật và vừa bị bãi bỏ, có bị xem xét trách nhiệm?

Chiều 27/4, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, ông Lê Thanh Nam - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là người đã ký Công văn số 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ ngày 22/3/2022 gửi tới UBND các quận, huyện ở Hà Nội yêu cầu "tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất" trái luật, vừa bị chính Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông báo bãi bỏ.

Hà Nội: Người ký công văn dừng tách thửa đất có bị kỷ luật? - 1

Công văn số 1685 do ông Lê Thanh Nam - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ký, có nội dung trái luật vừa bị bãi bỏ (Ảnh: P.M).

Trong văn bản gửi tới UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Anh Thư đề nghị tiếp tục xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 43/2014, Nghị định 01/2017 và Nghị định 148/2020 của Chính phủ; Thông tư số 09/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quyết định số 20/2017 của UBND TP Hà Nội.

Việc các quận, huyện ở Hà Nội dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách, hợp thửa đất hơn 1 năm qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp. Vậy những ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Thông tin với PV Dân trí, ông Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định Công văn số 1685 do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành, nên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của UBND TP Hà Nội.

"Chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của người dân, doanh nghiệp về Công văn số 1685 nên đã vào cuộc nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về tính pháp lý. Sau khi thấy công văn này "có vấn đề", chúng tôi đã đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý Công văn số 1685 theo đúng thẩm quyền. Trong việc này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đôn đốc Hà Nội thực hiện, xử lý", ông Huy cho hay.

Sau khi xử lý công văn trái luật trên, UBND TP Hà Nội sẽ có văn bản báo cáo kết quả tới Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để theo dõi, tổng hợp.

Về xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể ban hành văn bản trái pháp luật, gây ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp, ông Hồ Quang Huy phân tích, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016 và Nghị định số 154/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định 34) đã nêu rất cụ thể, rõ ràng.

Cụ thể, Điều 112 nhấn mạnh khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, đơn vị thực hiện việc tự kiểm tra theo quy định và báo cáo ngay kết quả kiểm tra văn bản với cơ quan, người đã ban hành văn bản đó để xem xét, xử lý.

Báo cáo kết quả tự kiểm tra văn bản có dấu hiệu trái pháp luật gồm những nội dung: Đánh giá nội dung có dấu hiệu trái pháp luật của văn bản và đề xuất hướng xử lý, thời hạn xử lý, biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản gây ra (nếu có); xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và ban hành văn bản.

Cơ quan, người ban hành có trách nhiệm xử lý kịp thời văn bản trái pháp luật đã ban hành. Kết quả xử lý văn bản phải được công bố theo quy định.

Vì thế, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng việc xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức liên quan tới việc ban hành công văn trái luật trên thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP Hà Nội.

Hà Nội: Người ký công văn dừng tách thửa đất có bị kỷ luật? - 2

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (Ảnh: P.M).

Như Dân trí phản ánh trước đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phân tích, việc tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Việc yêu cầu tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất được đề cập trong Công văn số 1685 không đảm bảo cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Việc này có thể ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Hơn nữa, công văn số 1685 là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, nên việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 2 điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau đó, Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc. Mới đây nhất, bà Lê Anh Thư - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ký văn bản thông báo bãi bỏ Công văn số 1685 có nội dung trái luật nêu trên.

Ngày 27/4, PV Dân trí đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và ông Lê Thanh Nam để hỏi thêm về việc xử lý trách nhiệm do ban hành công văn trái luật nhưng chưa nhận được phản hồi.

Hà Nội kiểm tra công vụ tại Sở Tài nguyên và Môi trường

Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký văn bản chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến việc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành văn bản tạm dừng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến "tách thửa đất".

Hà Nội giao đoàn kiểm tra công vụ chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND TP Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức kiểm tra công vụ đối với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ và ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố đã giao. Kiểm tra việc tạm dừng thực hiện một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn Hà Nội như phản ánh của báo chí.

Kết quả kiểm tra phải được báo cáo Chủ tịch UBND TP Hà Nội trước ngày 30/4; kiến nghị Chủ tịch Hà Nội có biện pháp xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân vi phạm (nếu có).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm