"Cán bộ đã biết sợ" nhưng vì sao tham nhũng ngày càng tăng?

Hoài Thu

(Dân trí) - Có ý kiến băn khoăn vì sao xử lý tham nhũng quyết liệt nhưng tham nhũng ngày càng tăng, có phải cán bộ không biết sợ? Ban Chỉ đạo khẳng định cán bộ đã biết sợ, tham nhũng tăng do nguyên nhân khác.

Điều này được Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng lý giải khi thông tin về kết quả phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).

Lý giải việc "càng chống quyết liệt, tham nhũng càng tăng"

Theo ông Dũng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt theo tinh thần xử lý kiên quyết, bài bản, thận trọng, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình.

Thống kê trong năm 2023 cho thấy có 19 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có 5 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương; 14 trường hợp bị xử lý hình sự.

Về chức vụ, trong 19 trường hợp này có 1 nguyên bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; 5 bí thư, phó bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy; 2 thứ trưởng, 1 Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; 8 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh; 2 sĩ quan cấp tướng.

Cán bộ đã biết sợ nhưng vì sao tham nhũng ngày càng tăng? - 1

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng (Ảnh: Đặng Phước).

"Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 105 cán bộ diện Trung ương bị xử lý kỷ luật, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương; 39 trường hợp bị xử lý hình sự. Con số này tăng gấp 2 lần so với nhiệm kỳ Đại hội XII", ông Dũng thông tin.

Tại phiên họp thứ 25, Phó ban Nội chính Trung ương cho biết Ban Chỉ đạo rất quan tâm khi nhiều ý kiến băn khoăn vì sao chúng ta xử lý, phòng chống tham nhũng quyết liệt như vậy nhưng tham nhũng "càng ngày càng tăng", có phải cán bộ không biết sợ?

"Ban Chỉ đạo khẳng định cán bộ đã biết sợ, nhưng số lượng tham nhũng tăng do một số nguyên nhân. Trong đó, tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, nhiều sai phạm diễn ra từ lâu nhưng vừa qua chúng ta làm kiên quyết, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương nên số lượng phát hiện và xử lý tăng lên", ông Dũng lý giải.

Ông cho biết qua tổng hợp của các cơ quan chức năng, có 2/3 số cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự là do các sai phạm từ các nhiệm kỳ trước, đến nhiệm kỳ này tập trung làm mạnh mới phát hiện ra.

Không chỉ vậy, vừa qua các cơ quan chức năng đã tập trung điều tra, phát hiện, khởi tố mới nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng cả trong khu vực Nhà nước và ngoài khu vực Nhà nước, cả trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín.

Trong đó, ông Dũng nhấn mạnh có nhiều vụ án đặc biệt lớn, xảy ra trên diện rộng, đối tượng rất lớn; có sự thông đồng, cấu kết giữa bên ngoài với bên trong Nhà nước để thu lời bất chính, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điển hình, vụ Việt Á gây thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng; vụ Vạn Thịnh Phát gây thiệt hại trên 190.000 tỷ đồng; tham ô, chiếm đoạt trên 300.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Dũng nhận định tính nghiêm minh thể hiện ở việc tiếp tục xử vắng mặt cả người bỏ trốn ra nước ngoài và lần đầu tiên điều tra, truy tố tội "tham ô tài sản" với chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Kỷ luật hơn 270 cán bộ trong chính các cơ quan chống tham nhũng

Nhấn mạnh một kết quả đáng chú ý khác trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Phó ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết Ban Chỉ đạo đánh giá cao việc tiếp tục quan tâm đẩy mạnh, tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong năm 2023, ông cho hay có hơn 270 cán bộ ở các cơ quan này đã bị xử lý kỷ luật do tham nhũng, tiêu cực, trong đó gần 140 trường hợp bị xử lý hình sự.

Cán bộ đã biết sợ nhưng vì sao tham nhũng ngày càng tăng? - 2

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, vừa được cho thôi nhiệm vụ Ủy viên Trung ương khóa XIII (Ảnh: Công Bính).

Đáng chú ý là việc xử lý hình sự 3 thiếu tướng đã nghỉ hưu liên quan vụ án tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và vụ án xảy ra tại Quảng Ninh. Ngoài ra, có 23 cán bộ thanh tra giám sát của các cơ quan có sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB… cũng bị xử lý.

Cùng với xử lý nghiêm khắc, ông Dũng nhấn mạnh tính nhân văn ở chỗ miễn, giảm trách nhiệm hình sự cho người không có động cơ vụ lợi, không nhận tiền.

"Rõ ràng việc xử lý như vậy là rất kiên quyết, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn; được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao", ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông cho biết Ban Chỉ đạo đề cao, khuyến khích cán bộ nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nghỉ công tác khi có sai phạm, khuyết điểm hoặc để cán bộ cấp dưới, tổ chức Đảng vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, phải xử lý kỷ luật.

Báo cáo cho thấy trong năm qua đã có 9 cán bộ diện Trung ương quản lý được xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 90 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý.

Theo Phó ban Nội chính Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, yêu cầu trong năm 2024 không được chủ quan, thỏa mãn; phải tiếp tục đẩy mạnh cả các giải pháp phòng và chống tham nhũng, tiêu cực một cách kiên quyết, kiên trì.

"6 hơn" trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực được ông Dũng đề cập là: "Quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn và với tinh thần năm nay phải tốt hơn năm trước".