1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cán bộ bây giờ dùng cả xe công để đưa vợ con... đi chợ!

(Dân trí) - "Nhiều người lạm dụng xe công quá nhiều, có trường hợp lấy xe về quê, sử dụng đưa đón vợ con đi chợ. Những trường hợp đó thì cần phải có đánh giá, nhưng làm không đơn giản chút nào bởi phần lớn rơi vào chức danh lãnh đạo. Liệu trong tập thể có ai dám đụng chạm tới các chức danh đó không?" - đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trao đổi với Dân trí về tình trạng sử dụng xe công “vô lối” hiện nay.

 

Ông Nguyễn Sỹ Cương (Ảnh: T.K)
Ông Nguyễn Sỹ Cương (Ảnh: T.K)

 

Phóng viên: Thưa ông, tuần qua xảy ra liên tiếp 2 câu chuyện sử dụng xe công sai mục đích, sai quy định: Một nhân viên Sở Giao thông vận tải Nghệ An sử dụng xe biển xanh sang địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để chặn xe, nghi “làm luật” các xe tải trên đường và hàng loạt xe biển xanh đi ăn giỗ tại Sóc Trăng. Từng lên tiếng nhiều về thực trạng sử dụng xe công, ông có thấy đây là những ví dụ "sinh động" nhất?

Ông Nguyễn Sỹ Cương: Nói đúng ra là việc quản lý và sử dụng xe công bấy lâu nay không nghiêm túc nên dẫn đến việc sử dụng rất tùy tiện, đối tượng nào muốn sử dụng cũng được.

Khi có bất cứ việc gì, việc công hay việc tư thì chỉ cần ông trưởng phòng hành chính hay ông chánh văn phòng, thậm chí lái xe cũng điều động được. Chúng ta đã quen với sự cả nể, bởi ý nghĩ sử dụng xe công chẳng mất cái gì, chẳng đáng bao nhiêu, nhưng nhiều cái “không đáng bao nhiêu” ấy thì lại là cái “đáng”.

Tình trạng lạm dụng xe công hiện nay đang ở mức độ đáng báo động. Tôi không biết trong quá trình rà soát vừa qua Bộ Tài chính có tính toán tới việc đó không và tới đây giải pháp đưa ra là cái gì thì phải phù hợp với thực tiễn. Tôi cho rằng vừa rồi báo cáo ra Quốc hội mới chủ yếu nhằm vào việc lạm dụng xe công của các đối tượng thuộc diện được tiêu chuẩn sử dụng xe đưa đón mà chưa đề cập đến số lượng 40.000 xe công hiện nay có bao nhiêu xe công phục vụ đối tượng tiêu chuẩn, còn lại bao nhiêu số xe còn lại phục vụ chung, phục vụ đối tượng không phải tiêu chuẩn.

Vừa qua, sau khi tôi có ý kiến được báo chí nêu, tôi đã nhận được nhiều phản hồi về chuyện sử dụng xe công ở các địa phương. Một địa phương thông thường chỉ có 3 chức danh được sử dụng xe đưa đón gồm: Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy và Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh (trừ Hà Nội và TPHCM). Nhưng thực tế con số không phải là 3 mà lớn hơn rất nhiều.

Ví dụ như mỗi sở bao giờ cũng có 2-3 chiếc xe ô tô, chưa kể có sở còn được trang bị thêm xe dự án - nhưng thường bao giờ cũng dành ra một cái xe đưa đón giám đốc sở. Gần như nghiễm nhiên nhiều giám đốc sở, ban ngành trực thuộc tỉnh đều có xe đưa đón cả. Chuyện này hiện nay diễn ra khá phổ biến. Giám đốc sở to nhất sở đó rồi muốn làm gì chả được, anh em đều không dám nói. Đó là chưa kể tới mấy ông phó chủ tịch tỉnh, có thuộc diện có tiêu chuẩn xe đưa đón đâu nhưng nhiều địa phương đều bố trí xe đưa đón cả. Chuyện lạm dụng này tương đối nhiều và số này mới lớn, gấp nhiều lần các đối tượng được tiêu chuẩn xe đưa đón.

Không chỉ ở địa phương mà ở trung ương cũng vậy. Rất nhiều cục cũng đang sử dụng xe công không đúng quy định. Cục trưởng không phải ai cũng có hệ số phụ cấp 1,25 nhưng cục lại có tới vài cái ô tô, đưa đón Cục trưởng là bình thường, chẳng ai có ý kiến gì cả.

Tôi cho rằng chúng ta phải làm triệt để cái đó đi thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều, sẽ nâng cao được ý thức bởi hiện nay nhiều người lợi dụng sử dụng xe để đưa người nhà, rồi tranh thủ đi công tác đưa vợ con đi chơi phổ biến lắm. Một đồng chí nhân tiện đi ra họp ở Hà Nội, đưa vợ con ra rồi đi các tỉnh chơi, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số cả đi về, rất lãng phí và tốn kém.

Đó mới là việc cần phải ngăn chặn, chứ việc sử dụng xe đi đám cưới, đám giỗ trong địa phương cũng là chuyện đáng chê trách nhưng thực chất không lớn lắm đâu.

Việc sử dụng xe công không đúng quy định đã được nói rất nhiều năm. Bộ Tài chính lần nào đưa ra số liệu cũng đều gây ra bức xúc dư luận, nhưng tình hình sử dụng xe công ngày càng nhiều hơn, không có sự thay đổi theo hướng tích cực. Theo ông vì chúng ta thiếu chế tài, đầu mối xử lý hay vì lý do nào khác?

Tôi thấy đúng là cứ mỗi lần đặt vấn đề ra việc quản lý xe công thì mức độ tăng lên, lãng phí càng ngày càng tăng. Không phải là không có chế tài xử lý hay chế tài không đủ mạnh mà chúng ta không thực hiện được các giải pháp triệt để.

Đã có trường hợp nào sử dụng xe sai quy định mà bị xử lý kỷ luật đâu dù chỉ là xử lý nội bộ, thường chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở  “đồng chí sử dụng sao cho tiết kiệm”. Mà việc phát giác đó ai nêu ra? Ví dụ ở một cục, sở địa phương chẳng hạn, giám đốc sở to nhất thì ai dám tố cáo việc đó và nếu có ai có ý kiến gì thì người ta có rất nhiều cách lý giải việc sử dụng đó là đúng, chẳng làm gì được đâu. Nếu không nâng cao ý thức thì rất khó xử lý trong thực tiễn. Khi người ta biết rằng khó xử lý thì người ta sẽ cãi bằng được là không vi phạm.

Xe công nay phục vụ người này, mai phục vụ người khác thì cần phải quản lý chặt chẽ thế nào chứ không thì không thể quy kết trách nhiệm cho ai cả. Cần quản lý xe công sao cho hữu hiệu nhất. Tôi cho là quản lý không khó, miễn là làm nghiêm túc và đừng cả nể với nhau, tạo điều kiện dễ dãi cho nhau. 

 


Chiếc xe công vụ được nhân viên Sở Giao thông vận tải Nghệ An dùng để chặn một số xe tải ở Hà Tĩnh, nghi để làm luật (Ảnh: Nguyễn Duy).

Chiếc xe công vụ được nhân viên Sở Giao thông vận tải Nghệ An dùng để chặn một số xe tải ở Hà Tĩnh, nghi để "làm luật" (Ảnh: Nguyễn Duy).

 

Ông có cho rằng phải xây dựng quy định về sử dụng xe công gắn liền với tiêu chí đánh giá cán bộ hay không?

Tôi cho đó là một sáng kiến rất tốt nhưng phải làm sao cho kín kẽ, chặt chẽ vì việc đánh giá cán bộ cần thận trọng, bởi việc đánh giá cán bộ trên rất nhiều mặt chứ không chỉ việc sử dụng xe công. Vấn đề là cần làm rõ cán bộ đó có lạm dụng xe công hay không? Sử dụng sai đến mức độ nào, sai bao nhiêu?

Nhiều người lạm dụng xe công quá nhiều, có trường hợp lấy xe về quê, sử dụng đưa đón vợ con đi chợ. Những trường hợp đó thì cần phải có đánh giá, nhưng làm không đơn giản chút nào đâu bởi phần lớn rơi vào chức danh lãnh đạo. Liệu trong tập thể có ai dám đụng chạm tới các chức danh đó không trong khi việc lạm dụng rất đa dạng. Ai sẽ là là người phát giác, lái xe phát giác không?

Vậy phải làm sao khi cấp dưới không dám phát giác cấp trên sử dụng xe công sai quy định, cả nể nhau trong xem xét xử lý như vậy?

Phải thoát ly cho được sự cả nể lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau một cách dễ dãi theo kiểu giúp nhau thì anh mới xử lý được. Nếu còn vẫn theo nếp như hiện nay không có ai dám phát giác, phát giác rồi chẳng được gì có khi còn gặp rắc rối, “dây” vào các đối tượng là thủ trưởng trực tiếp của mình cũng rách việc phết đấy.

Nhưng ít nhất bây giờ việc sử dụng xe công sai phải có xử lý. Cứ xử lý vài trường hợp đi sẽ khác ngay.

Đánh giá cán bộ công chức cuối năm cứ bắt ông đó bồi thường, thậm chí xử lý kỷ luật bằng hình thức nhẹ nhất như khiển trách, cảnh cáo đi. Nó là cái làm gương để cán bộ công chức thấy rằng không nên làm như thế. Khi nào nhận thức của cán bộ công chức thay đổi rằng việc lạm dụng xe công là sai trái thì sẽ khác rất nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)