1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cần 2,5 tỉ USD mỗi năm để xử lý ô nhiễm môi trường

(Dân trí) - Để xử lý ô nhiễm ở Việt Nam cần 2,5 tỉ USD mỗi năm, trong khi ngân sách chỉ đáp ứng 1/5 con số đó.

Doanh nghiệp tư nhân gây ô nhiễm chiếm 80%

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp có tải lượng ô nhiễm cao nhất lại chính là những ngành đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế vì công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 66% tổng số lao động công nghiệp, đóng góp 52% doanh thu và có tổng số trên 9,4 nghìn doanh nghiệp.

Trong số doanh nghiệp gây ô nhiễm cao nhất doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 9%, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 11%, trong khi doanh nghiệp tư nhân chiếm 80%.

Các cơ sở hoá chất là đối tượng chính gây ô nhiễm không khí, đất và nước. Các cơ sở này chủ yếu sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, dược phẩm và một số hoá chất công nghiệp khác.

Đối tượng gây ô nhiễm môi trường tiếp theo là nhóm doanh nghiệp sản xuất kim loại như luyện kim, gia công, mạ kim loại và cơ khí chế tạo máy. Thậm chí ngành tái chế kim loại cũng nằm trong danh sách 30 ngành gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất.
 
Cần 2,5 tỉ USD mỗi năm để xử lý ô nhiễm môi trường - 1
Sông Hậu bị ô nhiễm nặng nề từ các KCN. (Ảnh: SGGP)

Chế biến thuỷ hải sản hiện đang là một phân ngành nổi bật với sản lượng lớn và gây ô nhiễm cao. Không một phân ngành chế biến thực phẩm nào gây ra những tác động xấu đến môi trường như phân ngành chế biến thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản.

Ngành thuộc da và sản xuất các sản phẩm từ da, đặc biệt là sản xuất giầy dép, là nhóm ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Các ngành sản xuất khác gồm có sản xuất giầy và bột giấy, sản xuất các sản phẩm từ gỗ, đồ gỗ nội thất. Các ngành sản xuất bao bì có tải lượng ô nhiễm nước thải cao.

Đáng chú ý là ngành sản xuất vật liệu và sứ có tới 90% các chất ô nhiễm không khí phát thải từ ngành này thuộc danh mục các chất có độc tính cao. Gần 100% tải lượng ô nhiễm từ ngành sản xuất xi măng, gốm sứ, luyện kim và các thiết bị điện là các chất có độc tính cao...

Những thành phố ô nhiễm

Phần lớn các hoạt động công nghiệp tập trung ở 5 tỉnh, thành phố là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai ở phía Nam và Hà Nội, Hải phòng ở phía Bắc. 5 tỉnh này chiếm hơn 63% tổng số lao động và gần 55% tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, không phải cứ ngành nghề nào thu hút nhiều lao động thì nơi ấy có mức độ ô nhiễm cao. Điển hình như phường Đức Giang ở quận Long Biên (Hà Nội). Đối với ngành sản xuất hoá chất cơ bản ở phường này, mặc dù ở đây chỉ có 3 nhà máy với số công nhân chỉ chiếm 6% tổng lao động thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng lại là ngành phát thải nhiều nhất, chiếm 82% tổng tải lượng ô nhiễm các loại của cả phường.

Một ngành khác nữa cũng ở phường này là nguồn gây ô nhiễm chính, đó là ngành sản xuất ván ép và gỗ dán, đóng góp 18% tổng tải lượng ô nhiễm nước.

Hay như phường Cam Giá ở Thành phố Thái Nguyên được xếp đứng đầu danh sách các phường xã có tải lượng ô nhiễm cao nhất trong tỉnh. Tại đây có 5 nhà máy hoạt động và phát thải gần 100% tổng tải lượng ô nhiễm của toàn phường.

Theo báo cáo "Đánh giá và Phân tích tác động ô nhiễm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam", TPHCM và Hà Nội là hai địa phương có xếp hạng chỉ số ô nhiễm chung cao nhất nước.

Trong đó, TPHCM có giá trị cao nhất ở cả bốn chỉ số, đứng đầu trong danh sách 10 tỉnh có tải lượng ô nhiễm cao nhất. 9 tỉnh còn lại xếp theo thứ tự giảm dần đó là: Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.

Chi phí chỉ chiếm 1/5 mức độ yêu cầu

Điều đáng nói là trước thực trạng về ô nhiễm môi trường như vậy, Việt Nam đang đứng trước khó khăn do thiếu hụt tài chính để xử lý các vấn đề về môi trường. Báo cáo chỉ ra rằng, chi phí xử lý ô nhiễm ở Việt Nam dự tính khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm, trong khi phân bổ ngân sách của Chính phủ theo quy định khoảng 1% GDP. Nếu theo số liệu tính toán năm 2004 là khoảng 450 triệu USD, tương đương với 1/5 mức độ yêu cầu.

Không những vậy, một bất cập nữa là Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch nhu cầu kinh phí hàng năm cho hoạt động bảo vệ môi trường vì không biết chắc chắn giá trị thực của 1% tổng chi ngân sách là bao nhiêu!

Ai cũng biết ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của con người thế nào. Do đó nếu không có những giải pháp kịp thời và đồng bộ cùng với nhận thức đúng đắn về những tác động xấu tới môi trường của chính phủ, e rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ không chỉ dừng lại ở đây.

Theo các chuyên gia về môi trường, chính phủ nên ưu tiên việc can thiệp quản lý ô nhiễm trong khu vực công nghiệp, làm rõ vai trò của các tổ chức và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến quản lý ô nhiễm cũng như củng cố chế tài, hợp lý hoá chi phí cho việc quản lý và kiểm soát ô nhiễm.

Lan Hương