1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cảm tưởng của các nhà báo quốc tế khi tác nghiệp ở Hoàng Sa

Sự có mặt của báo chí nước ngoài trên vùng biển Hoàng Sa giúp họ có cái nhìn khách quan, chính xác về hành động của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm. Những ngày qua, cùng với các phóng viên trong nước, nhiều nhà báo của các cơ quan báo chí nước ngoài cũng kịp thời có mặt tại “điểm nóng” Hoàng Sa, chứng kiến hành động hung hăng của các tàu Trung Quốc.

 

PV VOV tại miền Trung đã ghi lại những nhận xét của một số nhà báo làm việc tại các cơ quan báo chí nước ngoài trong những ngày họ có mặt tại thực địa. 

 

Cảm tưởng của các nhà báo quốc tế khi tác nghiệp ở Hoàng Sa

Ông Toshihiro yatagal, Trưởng Văn phòng Hãng tin Kyodo news (Nhật Bản) tại Bangkok Thái Lan trả lời phỏng vấn của PV VOV (Ảnh Nguyễn Đông)

 

Đã qua tuổi 50 nhưng nhà báo Toshihiro Yatagal, Trưởng văn phòng đại diện Hãng tin Nhật Bản -  Kyodo News tại Bangkok (Thái Lan) rất năng động. Từng có mặt tại các điểm nóng trong vùng chiến sự ở nhiều nước trên thế giới, nhưng khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, nhà báo Toshihiro Yatagal đã kịp thời đến Hoàng Sa tận mắt chứng kiến sự việc.

 

Nhà báo Toshihiro Yatagal cho biết, ông quan tâm đến sự kiện này bởi nó không còn là vấn đề của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc mà liên quan đến đường hàng hải quốc tế, được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV về hành động của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam trên thực địa, nhà báo Toshihiro Yatagal cho rằng: Trung Quốc đưa quá nhiều tàu ra vùng biển này chỉ làm tăng thêm căng thẳng tại biển Đông.

 

“Ra đây, tôi đã chứng kiến Trung Quốc triển khai rất nhiều tàu ở trong khu vực này. Tôi rất ngạc nhiên và sốc khi chứng kiến những hành động của Trung Quốc. Tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều lần tàu Việt Nam tiến vào gần khu vực giàn khoan thì phía Trung Quốc lập tức đưa tàu ra để ngăn chặn. Có những lúc có tới 4 đến 5 tàu Trung Quốc kèm 1 tàu Việt Nam. Tôi cho rằng, phía Trung Quốc không nên hành động như vậy trong khu vực này”, ông Toshihiro Yatagal.

 

Nhà báo Hoàng Đình Nam, Hãng thông tấn AFP trả lời phỏng vấn phóng viên VOV (Ảnh Vinh Thông)

Nhà báo Hoàng Đình Nam, Hãng thông tấn AFP trả lời phỏng vấn phóng viên VOV (Ảnh Vinh Thông)

 

Nhà báo Hoàng Đình Nam, phóng viên Hãng thông tấn AFP tại Hà Nội cũng có mặt trên tàu cảnh sát biển Việt Nam ra điểm nóng Hoàng Sa. Những ngày cùng lực lượng chấp pháp Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981, ông đã ghi lại nhiều hình ảnh các tàu Trung Quốc đâm va, dùng vòi rồng phun nước vào các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ trên biển.

 

Nhà báo Hoàng Đình Nam cho biết, với những gì diễn ra tại thực địa rõ ràng thông tin mà phía Trung Quốc rêu rao rằng, tàu Việt Nam “đâm va” tàu Trung Quốc là bịa đặt.

 

“Qua 4, 5 ngày tác nghiệp trên vùng biển Hoàng Sa, gần nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu và mang đến cả đội tàu rất đông đảo để bảo vệ. Tôi đã mục kích sự vi phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Rõ ràng trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc mang cả đội tàu lớn và có những hành xử rất ngỗ ngược”, ông Nam chia sẻ.

 

Việt Nam kiên quyết đấu tranh yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, tranh thủ dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình là hết sức cần thiết. Sự có mặt của đội ngũ báo chí nước ngoài trên thực địa vùng biển Hoàng Sa hiện nay giúp họ có cái nhìn khách quan, chính xác và lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.

 

Theo Đình Thiệu - Vinh Thông
 VOV- Miền Trung