1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Cảm động chuyện hai chị em gái chung chồng

Chuyện hai chị em gái lấy chung một chồng là có thật ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), nhưng đây không phải là chuyện “sông bao nhiêu nước cho vừa”, mà là lòng nhân ái, sự chia sẻ, đức hy sinh tuyệt vời của người chị gái dành cho đứa em không may bị tai nạn tàn tật.

Dù tàn phế, chị Phúc vẫn cố gắng bóc lạc thuê, mỗi ngày được
trả công 20 ngàn đồng.

Dù tàn phế, chị Phúc vẫn cố gắng bóc lạc thuê, mỗi ngày được trả công 20 ngàn đồng.

Cách đây 18 năm (năm 1996), chị Hồ Thị Phúc (SN 1977, thôn Cây Đa, xã Sơn Hoà, Hương Sơn) se duyên cùng anh Tồng Trần Trí (người cùng xã). Hạnh phúc mỉm cười khi chị sinh được một bé trai. Khi con trai được 22 tháng tuổi, trong một lần đi lấy vỏ lạc, bất ngờ đống ximăng đổ ập xuống đè lên người, khiến chị Phúc bất tỉnh nhân sự. Ngày định mệnh ấy là 20/11/1999.

Chị Hồ Thị Phúc được gia đình chở đi cấp cứu nhưng do bị đứt dây thần kinh tuỷ sống nên chị lâm cảnh liệt nửa người vĩnh viễn. Tai nạn ập đến lúc chị vừa tròn 22 tuổi. Từ một cô gái khỏe mạnh, chị Phúc phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc vào người khác, mọi ước mơ, hy vọng tiêu tan theo mây khói. Chị Phúc đau đớn về thể xác, suy sụp tinh thần.

Sau tai nạn, chị Phúc phải nằm điều trị hơn 1 tháng, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng, song bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Thương em, chị gái Phúc là Hồ Thị Hạnh (SN 1974) bỏ lại công việc đồng áng cho bố mẹ già đã ngoài 70 tuổi, khăn gói ra bệnh viện ở Hà Nội chăm em. Có chị, có em nơi đất khách quê người, Phúc như được tiếp thêm sức mạnh.

Từ khi có chị Hạnh ra chăm sóc, lo việc cơm nước, giặt giũ và sinh hoạt cá nhân cho Phúc, anh Trí đỡ vất vả nhiều. Nhưng vì chấn thương quá nặng, bệnh tình chị Phúc không thuyên giảm. Chứng kiến cảnh em gái nằm liệt trên giường bệnh, chị Hạnh lo lắng cho tương lai của em, ngậm ngùi thương cháu phải chịu thiệt thòi, biết lấy ai chăm bẵm, nuôi dạy.

Qua rất nhiều đêm đấu tranh tư tưởng, đắn đo, rồi nhiều lần chị em cùng nhau tâm sự, chị Hạnh đã đi đến một quyết định táo bạo - kết duyên vợ chồng cùng em rể. Đây là cách duy nhất để chị thay em gánh vác việc gia đình, có thể chăm lo cho em gái và cháu suốt đời. Chị Phúc ngỡ ngàng, xúc động vì chị ruột đã hy sinh tuổi xuân, hạnh phúc để cưu mang cuộc sống tàn tật của mình.

Ngoài những lúc làm đồng, chị Hạnh cũng phụ em gái bóc lạc
thuê để lo cho gia đình.

Ngoài những lúc làm đồng, chị Hạnh cũng phụ em gái bóc lạc thuê để lo cho gia đình.

Quyết định của chị Hồ Thị Hạnh đã được gia đình hai bên nội, ngoại chấp nhận. Từ đó đến nay, hai chị em gái có chung “một người chồng” nhưng không hề có va chạm, xích mích mà luôn dành cho nhau những tình cảm yêu thương trìu mến, dù cuộc sống của họ còn hết sức vất vả.

Hàng ngày, anh Tống Trần Trí đi phụ hồ, chị Hạnh làm nông nghiệp, còn chị Phúc dù tàn tật cũng cố dùng đôi tay đan lát kiếm thêm chút thu nhập. Mỗi ngày, nằm trên giường, chị đan được một đôi rổ bán được 20.000 đồng. Làm được 5 năm, chị Phúc chuyển sang bóc lạc thuê, nhưng cố lắm ngày cũng chỉ được 20.000 đồng. Công việc rất mệt nhọc đối với người khuyết tật, thu được số tiền rất nhỏ, nhưng chị cảm thấy vui vì thấy mình còn có ích, phần nào góp phần làm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống gia đình.

Từ ngày về làm vợ anh Trí, chị Hạnh sinh thêm 2 cháu trai. Hiện gia đình anh Trí, chị Phúc, chị Hạnh có 7 người sinh sống (3 vợ chồng, 3 đứa con, cùng bố anh Trí nay đã 80 tuổi). Mặc dầu hoàn cảnh kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, phải chật vật mưu sinh, nhưng tình cảm gia đình rất hòa thuận, hàng xóm không hề nghe thấy "tiếng bấc, tiếng chì". Ngọn lửa của trái tim nhân ái, giàu đức hy sinh đang tỏa sáng và sưởi ấm căn nhà nhỏ nơi miền sơn cước.

Theo Minh Lý - Quang Đại
Lao Động