Kỳ họp thứ 4, khóa XIII HĐND TP Hà Nội:
Cải tạo nhà chung cư xuống cấp: Lực bất tòng tâm?!
(Dân trí) - Một cơ chế, chính sách phù hợp để cải tạo nhà chung cư cũ xuống cấp đang là vấn đề khiến hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội thấp thỏm chờ đợi. Chiều qua (05/8), một Nghị quyết về vấn đề này đã được các đại biểu nhất trí thông qua.
Nghị trường HĐND TP. Hà Nội bắt đầu “nóng” dần lên sau khi đoàn chủ tịch đọc tờ trình về dự thảo Nghị quyết cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn TP. Hà Nội. Nhiều đại biểu mong muốn có thêm thời gian để được đóng góp ý kiến của mình về những vấn đề nhân dân bức xúc.
Nghị quyết này đã xác định, đây là hoạt động mang ý nghĩa xã hội hóa cao chứ không đơn thuần chỉ là hoạt động kinh doanh nên lãi chỉ là vấn đề thứ yếu. Tuy nhiên, nội dung này lại là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh tiêu cực về nhà chung cư trong thời gian qua.
Ông Đỗ Hoàng Ân, Phó chủ tịch UBND TP khái quát hóm hỉnh: “Kinh doanh thì không cho kinh doanh, bán thì không cho bán, lợi nhuận thì xác định không lấy làm chính. Thế là các chủ đầu tư bó tay”. Thực tế rõ ràng là phải cân bằng lợi ích của cả 3 chủ thể: Người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Không có lãi thì không chủ đầu tư nào tình nguyện bỏ tiền túi vào công trình.
Đại biểu Hồ Thị Chung Ngọc nêu lên một thực trạng: “Nếu thống kê số chung cư xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn thì con số phải lên tới 45 khu. Để cải tạo, sửa chữa hết số chung cư này ít nhất cũng tiêu tốn 1000 tỷ đồng. Việc ưu tiên giải quyết những chung cư không đảm bảo an toàn trước là bất khả thi, vì vậy, HĐND TP cần đề ra mục tiêu cụ thể hơn, có các bước thực hiện, thời gian hoàn thành và được giám sát chặt chẽ.”
Để giải quyết vấn đề đại biểu Ngọc nêu, HĐND đưa ra giải pháp trước mắt dành một phần quỹ đất 20% hoặc mua lại nhà ở 50% tại các dự án khu đô thị mới để xây dựng quỹ nhà trung chuyển phục vụ việc cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ.
Nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng, bởi hiện nay phần lớn các cán bộ cách mạng lớp trước đang sinh sống trong những căn hộ xuống cấp này. Họ đa phần có mức sống thấp, nếu việc cải tạo không kịp thời hoặc phát sinh tiêu cực sẽ làm mất lòng tin của nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND Lê Quý Đôn lại có cách nhìn nhận khác: “Nội dung của Nghị quyết là cải tạo và xây dựng. Vậy tại sao không đề cập vấn đề xóa bỏ những chung cư xuống cấp quá nghiêm trọng, quá niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn, hạn chế về thiết kế, diện tích ?”.
Những ý kiến đóng góp của các đại biểu đã được tiếp thu và bản Nghị quyết lần này, 100% đại biểu nhất trí thông qua. Tuy vậy, để giải quyết triệt để bài toán này, UBND TP. Hà Nội còn mất một thời gian khá dài, bởi nhà chung cư xuống cấp hiện nay quá lớn, muốn cải tạo hết lực bất tòng tâm.
Hôm nay (06/8), HĐND TP Hà Nội sẽ thông qua một số Nghị quyết khác và bế mạc kỳ họp.
M.H. - T.Đ. - P.T.