Kỳ họp thứ 4, khóa XIII HĐND TP Hà Nội:
Đất đai làm "nóng" nghị trường
(Dân trí) - Sáng nay (04/8), trong ngày làm việc thứ 3, nghị trường Hội đồng nhân dân TP Hà Nội "nóng" lên bởi những vấn đề tiêu cực trong việc mua bán nhà chung cư, cải tạo các công trình dân sinh ngoài đê sông Hồng…Tuy nhiên, người dân lại không nhận được câu trả lời thoả đáng.
Những kiến nghị, thắc mắc của cử tri TP về những bất cập xung quanh việc quản lý đầu tư xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn, đã được ông Đỗ Hoàng Ân trả lời đầu tiên tại buổi chất vấn. Trong thời gian dài, việc quản lý nhà đất rất phân tán và bị buông lỏng, vi phạm trật tự xây dựng và cải tạo nhà ở là hiện tượng phổ biến. Một trong những văn bản quan trọng để điều chỉnh những bất cập này được ông Ân đề cấp nhiều nhất là Quyết định 123/2001/QĐ-UB ngày 16/12/2001 của UBND TP.
Theo đó, đã có 158 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới với tổng diện tích hơn 1.500 ha đã và đang được xây dựng. Tại các dự án được thực hiện theo Quyết định này, TP Hà Nội đã có gấn 600.000 m2 đất thuộc quỹ 20%, và gần 6.000 căn hộ thuộc quỹ nhà phục vụ cho việc di dân giải phóng mặt bằng được xây dựng.
Trả lời thắc mắc của Đại biểu Nguyễn Việt Hưng về vấn đề nhà chung cư dành cho người có thu nhập thấp, ông Ân cho biết: sau khi thực hiện Quyết định 123 của UBND TP, những tiêu cực trong công tác xét cấp nhà cho các đối tượng này đã được hạn chế tối đa. Tuy nhiên, khi đại biểu Hưng nêu vấn đề “Nhà chung cư ai bán ai mua” lâu nay vẫn được báo chí nêu thì ông Ân chưa có câu trả lời trực tiếp.
Một trong những vấn đề nóng nhất, đang thu thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri Hà Nội là việc thực hiện Nghị định 171/2003/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện Pháp lệnh đê điều liên quan đến việc xây dựng ở khu vực ngoài đê như cải tạo nâng cấp các công trình công cộng, trường học, nhà ở của nhân dân đã hư hỏng dột nát… đã được ông Lê Quý Đôn trả lời tại phiên họp.
Ông Đôn cho biết: “UBND TP đã có công văn gửi Giám đốc Sở Xây dựng yêu cầu chỉ đạo triển khai và có văn bản báo cáo UBND. Song đến nay UBND TP đã thông qua Hội đồng thẩm định Nhà nước lần thứ 2 trình Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt. Vì vậy, việc quy hoạch dân cư ở đây chưa đủ cơ sở để giải quyết.”
Nhiều đại biểu đã tỏ ra thông cảm với khó khăn này của UBND TP bởi nếu TP. Hà Nội tự ý thực hiện thì trái với Nghị định của Chính phủ; ngược lại, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tình trạng nhà hư hỏng, dột nát sắp sập nhưng không được phép sữa chữa.
Ông Đôn cho biết, nên chăng, tại kỳ họp lần này, HĐND TP cần ra một Nghị quyết để giải quyết dứt điểm vấn đề trên.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng đã đọc báo cáo tại kỳ họp về việc mở rộng, đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình dịch vụ như thu gom vận chuyển rác thải, vận tải hành khách công cộng, y tế, giáo dục… Hiện nay, các lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc do các cơ chế chính sách chưa đồng bộ, nên chưa thu hút được đông đảo các doanh nghiệp tư nhân tham gia. Đây là nhưng vấn đề liên quan trực tiếp tới cuộc sống của đa số người dân thủ đô nhưng thật đáng tiếc là không có một câu hỏi chất vấn nào được đặt ra.
Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN&MT TP. Hà Nội cũng đã trình bày 3 vấn đề lớn liên quan đến đất đai, đó là kết quả thực hiện chủ trương thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc tiếp nhận phần diện tích đất do bộ Quốc phòng bàn giao.
Nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc trước hàng loạt vấn đề liên quan đến đất đai. Đại biểu Vũ Đức Tân đã tốn khá nhiều thời gian để trình bày về sự bàng quan của cơ quan công quyền trước những vấn đề này. “Dường như chúng ta đang đứng về một phía trong việc giải quyết những vấn đề, những vụ việc liên quan đến đất đai” – ông Tân nói.
Chiều nay, lãnh đạo UBND TP HN và các giám đốc Sở tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu.
Mạnh Hùng - Trần Đức