Hà Nội: Cấp sổ đỏ cho đối tượng KT3
Ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn về vấn đề "nóng nhất" tại kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội lần này: Cấp sổ đỏ cho người không có hộ khẩu thường trú (đối tượng KT3).
Một trong những nội dung được cử tri và nhiều đại biểu HĐND đặc biệt quan tâm là Tờ trình của UBND TP Hà Nội “Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho người không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội”.
Ông Đôn cho biết: Cấp sổ đỏ cho các đối tượng KT3 là một chủ trương lớn trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh thực hiện Luật đất đai. Đây cũng là những vấn đề bức xúc đối với người dân khi tham gia giao dịch nhà đất nhưng chưa có hộ khẩu.
Thành phố coi đây là yếu tố đảm bảo tính hợp pháp cho những giao dịch về bất động sản, góp phần đẩy mạnh thị trường bất động sản ở Hà Nội. Thực hiện chủ trương này sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho cả Nhà nước và người dân.
Người dân có đủ điều kiện tham gia vào thị trường bất động sản thuận lợi hơn và Nhà nước cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý, điều tiết, kiểm soát thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội. Từ đó góp phần làm lành mạnh hoá thị trường này.
Thưa ông, Dự thảo có đưa ra hai phương án, vậy việc thực hiện sẽ thế nào?
Đúng là Dự thảo đưa ra hai phương án. Nhưng tại kỳ họp này, Tờ trình chỉ đưa ra một phương án đó là thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho tất cả những đối tượng KT3 mà dự thảo đã đề cập.
Về lộ trình, trong thời gian khoảng 3 năm những trường hợp đã có hồ sơ rồi, người có việc làm ổn định đã đóng bảo hiểm 3 năm thì sẽ thực hiện ngay.
Khả năng Tờ trình được HĐND thông qua có cao không?
Tôi tin rằng nhất định chủ trương của tờ trình sẽ được HĐND nhất trí thông qua.
Nhưng kéo theo đó sẽ là áp lực bất lợi cho Hà Nội trong khi hạ tầng đang xuống cấp, bệnh viện, trường học, giao thông đều quá tải và rất có thể còn tạo ra những cơn sốt đất mới?
Nếu trong tổ chức thực hiện mà không chuẩn bị tốt có thể tạo ra làn sóng dân tự do tràn vào Hà Nội mua nhà đất gây quá tải cho Thủ đô. Nhưng Luật pháp đã quy định về những vấn đề này.
Mặt khác, chính Hà Nội, người Hà Nội phải cố gắng vươn lên, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện luật pháp. Và điều đó cũng thể hiện sự phát triển của Thủ đô. Đó mới là vấn đề cơ bản.
Bản thân ông từng nói nên cấp sổ đỏ cho những người đã có hộ khẩu ở Hà Nội trước, ông có còn nghĩ như vậy?
Tôi cho rằng cả người có hộ khẩu và người chưa có hộ khẩu đều phải có những bước đi phù hợp để thực hiện các quy định của pháp luật. Khi chủ trương này được thực hiện, lộ trình cấp sổ đỏ cho đối tượng KT3 sẽ được thực hiện triệt để.
Trước mắt, thành phố sẽ áp dụng cho những đối tượng mà Tờ trình của UBND thành phố đã đề cập. Đó là những đối tượng đang, đã được đăng ký, đã có hồ sơ trình cơ quan chuyên môn thì sẽ giải quyết ngay. Sau đó sẽ tiếp tục thực hiện tới những đối tượng khác.
Việc triển khai cấp sổ đỏ vẫn còn nhiều tiêu cực, phiền hà, phải chăng đó cũng là trở ngại?
Hà Nội đang thành lập tổ công tác từ cấp thành phố đến quận, huyện giải quyết những vấn đề mắc mớ tại cơ sở. Về thẩm quyền, thành phố cũng đã phân cấp cho quận huyện. Việc trao trả sổ đỏ cho người dân sẽ được thực hiện theo cơ chế một cửa, giảm bớt phiền hà.
Từ nay, sổ đỏ được chuyển thẳng tới tay người dân không qua xã phường nữa. Đây là cách để hạn chế tiêu cực như đã xảy ra trong thời gian qua. Nếu có thắc mắc gì, người dân sẽ được tiếp xúc trực tiếp với Tổ công tác hoặc thông qua đường dây nóng (Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất, Thường trực UBND TP).
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc cấp GCN cho các đối tượng KT3 là đương nhiên và đáng ra thành phố phải làm từ lâu, bởi các văn bản pháp luật như Hiến Pháp 1992, Luật Hôn nhân gia đình, Luật dân sự... đã quy định rất rõ và đầy đủ quyền của người dân về vấn đề này rồi?
Tôi cho là việc thành phố đưa vấn đề này trình HĐND quyết là cần thiết bởi đây là một vấn đề lớn của Thủ đô. Hơn nữa, đây không chỉ là việc thực hiện pháp luật và chế độ chính sách của Nhà nước, mà còn là việc thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho thành phố.
Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến Hà Nội mà còn liên quan đến vấn đề chung của cả nước, của nhiều người dân. Chính vì thế, trước đây chúng ta đã hạn chế thì nay mở rộng hơn trong đó có đối tượng là KT3.
Vậy mục tiêu chính của thành phố trong vấn đề này là gì?
Mục tiêu là được HĐND thông qua và làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đang làm ăn công tác ổn định tại Hà Nội được thực hiện những quyền của mình theo luật định.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Tuấn
Tiền Phong