1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Hà Nội:

Cải tạo chợ Thanh Am, cả quận lẫn phường cùng qua mặt TP

(Dân trí) - Một cuộc cải tạo, nâng cấp chợ “đại quy mô” với sự có mặt của lực lượng công an, thanh tra, lãnh đạo UBND phường Đức Giang và quận Long Biên vừa được thực hiện tại chợ Thanh Am trong ngày hôm qua, 13/6. Điều đáng nói, việc áp chế cải tạo, xây dựng chợ của chính quyền 2 cấp này hoàn toàn trái với mục đích cấp đất ban đầu của UBND TP Hà Nội.

>> Xây chợ cho thuê… làm phòng trọ

 

Sai phạm nối tiếp sai phạm

 

Năm 1991, UBND TP Hà Nội có giấy phép cấp gần 10.000m2 đất cho xã Thượng Thanh (huyện Gia Lâm) với mục đích xây dựng nhà ở giãn dân. Giấy phép này ghi rõ, đất chỉ cấp để xây dựng nhà ở giãn dân của xã, không được xây dựng các công trình khác. Đất chỉ giải quyết cho những hộ có khó khăn về chỗ ở, không đưa người nơi khác đến.

 

Thế nhưng, chưa đầy một năm sau, chính quyền xã Thượng Thanh đã nhượng lại cho UBND thị trấn Đức Giang (nay là phường Đức Giang) một khu đất với diện tích gần 2.000m2 trong khu vực đất giãn dân này để xây dựng… chợ!

 

Mặc dù UBND thành phố Hà Nội chưa cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, song UBND huyện Gia Lâm thời đó vẫn cố tình vượt cấp, phê duyệt việc xây dựng chợ Thanh Am. Nghiêm trọng hơn, trước khi UBND huyện Gia Lâm có thông báo số 423 ngày 11/9/1992 và số 502 ngày 20/10/1992 phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất, chính quyền thị trấn Đức Giang đã khởi công xây dựng các ki-ốt tại chợ.

 

UBND thị trấn Đức Giang đã giao cho 2 cá nhân là ông Trần Hoạt và Hà Đăng Chì vận động 26 hộ dân góp vốn để xây dựng chợ Thanh Am với số tiền 627 triệu đồng. Cần phải nhấn mạnh rằng, UBND thị trấn Đức Giang không hề thực hiện việc đấu thầu công khai mà trực tiếp giao cho hai cá nhân không đủ tư cách pháp nhân để thực hiện việc xây dựng chợ theo quy định của pháp luật. Việc chuyển đổi lòng vòng này khiến sai phạm từ 15 năm trước đến nay vẫn chưa có hồi kết.

 

Khi vụ việc góp vốn xây dựng chợ Thanh Am có biểu hiện là dự án mua bán đất lòng vòng để qua mặt cơ quan chức năng, ngày 1/10/1993, VKSND huyện Gia Lâm đã có kháng nghị số 80/GL yêu cầu Chủ tịch UBND thị trấn Đức Giang làm lại thủ tục về xây dựng chợ theo đúng pháp luật hiện hành và chấm dứt việc bán nhà dưới dạng cho thuê lâu dài ki-ốt.

 

Ngày 25/9/1993, Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm cũng có thông báo yêu cầu đảng ủy UBND thị trấn Đức Giang thực hiện đúng thủ tục, nguyên tắc quy định về cho thuê ki-ốt, kiên quyết không để hiện tượng buôn bán đất vòng vo. Tuy nhiên, UBND thị trấn Đức Giang đã phớt lờ những văn bản này, tiếp tục để 26 hộ dân được thuê ki-ốt lâu dài theo các hợp đồng đã ký trước đó cho đến tận hôm nay.

 

26 hộ dân góp vốn xây dựng chợ: “Đi thì cũng dở, ở không xong”!

 

Đầu năm 2007, UBND phường Đức Giang có chủ trương cải tạo để đưa chợ Thanh Am vào hoạt động. Mặc dù 26 hộ dân góp vốn xây dựng chợ Thanh Am trước đây là những người có quyền lợi trực tiếp nhưng việc chính quyền phường có dự án cải tạo chợ họ không hề được biết. Đến tháng 2/2007, UBND phường Đức Giang cho dỡ bỏ một số hạng mục thuộc khu vực cầu chợ do các hộ dân góp vốn xây dựng nhưng họ cũng không hề được thông báo. Sự thiếu minh bạch trong dự án cải tạo chợ của chính quyền phường Đức Giang càng khiến sự bất bình của các hộ dân ngày càng tăng.

 

Cải tạo chợ Thanh Am, cả quận lẫn phường cùng qua mặt TP - 1
 

Cầu chợ này do 26 hộ dân góp vốn xây dựng, nay chính quyền

 áp chế để làm mới mà không giải quyết quyền lợi cho họ.

 

Ngày 13/6, khi chính quyền quận và phường tổ chức lực lượng đến áp chế việc cải tạo lại chợ Thanh Am, 26 hộ dân này đã quyết liệt phản đối. Theo đơn kêu cứu gửi đến báo Dân trí, các hộ dân cho rằng, chính quyền phường Đức Giang và quận Long Biên đã không đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của họ.

 

Bà Đỗ Thị Thà, một trong 26 hộ dân góp vốn vào chợ Thanh Am bức xúc: “Trước đây, trong các lá đơn gửi cơ quan chức năng chúng tôi chưa đề cập đến vấn đề quan trọng là việc xây dựng chợ đúng hay sai. Sau 15 năm xây dựng chợ mà chưa họp một phiên nào cho thấy phần nào việc xây dựng chợ là sai. Đây là khu vực đất giãn dân, không được phép xây dựng chợ, quận và phường cố tình ép dân để làm chợ là trái với giấy phép sử dụng đất đã được thành phố phê duyệt”.

 

Lý do để người dân phản đối việc cải tạo chợ Thanh Am là toàn bộ mặt bằng, tài sản trên đất đều do 26 hộ góp vốn san lấp, xây dựng dưới sự đảm bảo của chính quyền thị trấn Đức Giang. Nếu chính quyền lập dự án cải tạo mới đương nhiên phải có sự thỏa thuận, thanh toán sòng phẳng những tài sản còn lại. Tuy nhiên, theo các hộ dân, đến nay số tiền 70 triệu đồng đơn vị trúng thầu hoàn trả giá trị tài sản đầu tư xây dựng còn lại của chợ UBND phương Đức Giang vẫn chưa trả lại cho họ.

 

Các hộ dân tại đây cũng trưng ra nhiều tài liệu khác khẳng định việc họ đã mua đứt và có chủ quyền tại các ki-ốt vì họ đã sinh sống ổn định tại đây từ lâu, nhiều hộ có đến 3-4 thế hệ. “Chính quyền đã sai vì xây dựng chợ trên đất giãn dân. Còn người dân chúng tôi không sai vì chúng tôi được chính quyền cho sử dụng hợp pháp từ năm 1992, đã sử dụng làm nhà ở, được công nhận bằng việc đăng ký hộ khẩu thường trú, được cấp biển số nhà nhà việc sử dụng làm nhà ở của chúng tôi phù hợp với giấy phép 583 của TP Hà Nội” - bà Trần Thị Yến phân tích.

 

Tại cuộc đối thoại ngày 26/5 vừa qua giữa chính quyền quận Long Biên và phường Đức Giang với các hộ dân, phía chính quyền khẳng định: Thời gian tới chợ Thanh Am sẽ được đầu tư sửa chữa nâng cấp và đưa vào hoạt động; 26 hộ dân sẽ tiếp tục thuê các ki-ốt đó để buôn bán mà không phải nộp bất cứ khoản tiền nào.

 

Tuy nhiên, phía người dân vẫn đề nghị cho phép làm nhà ở, vì họ đã bán cả nhà cửa để góp tiền vào xây dựng chợ Thanh Am. 15 năm qua chợ không hoạt động, kinh tế bị thiệt hại, họ phải dùng ki-ốt làm nhà. Nếu chính quyền vẫn thu hồi đất đó để làm chợ thì phải đền bù công cải tạo khu đất và những thiệt kinh tế trong suốt 15 năm qua.  

 

Một câu hỏi chưa có lời giải cần được đặt ra đối với chính quyền quận Long Biên: nếu chính quyền quyết cải tạo chợ Thanh Am thì 26 hộ dân tại đây sẽ đi đâu, về đâu?

 

Trần Đức