1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

"Cái chết của bò tót chắc chắn liên quan đến thuốc mê"

(Dân trí) - "Con bò tót nhút nhát lắm. Đã có nhiều câu chuyện về chăn dắt bò tót về lại thiên nhiên thành công và rất nhẹ nhàng, ta bắn thuốc mê là to chuyện rồi. Chắc chắn có liên quan đến thuốc mê mà bò chết".

Liên quan đến vụ việc cứu hộ không thành công chú bò tót quý hiếm ở Huế, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Võ Văn Phú - chuyên gia về động vật học ở Khoa Sinh, ĐH Khoa học Huế.

Xin ông cho biết về tình hình phân bố bò tót tại miền Trung, đặc biệt ở Huế có bò tót hay không?

Bò tót có nhiều ở vùng rừng Bắc Trường Sơn thuộc miền Trung như ở Tà Rụt, Đakrông (Quảng Trị) - trước đây xuất hiện rất nhiều đàn về hàng năm. Ở Phong Điền (TT-Huế) và dãy Bạch Mã (một phần thuộc địa phận TT-Huế) chắc chắn có bò tót. Bò về là chuyện bình thường vì hệ sinh thái của bò là hệ sinh thái vùng đồi phải ăn cỏ. Do đó, nó có thể đi từ rừng xuống đồi tìm thức ăn rồi lạc là điều bình thường thôi.

 PGS.TS. Võ Văn Phú (phải) trao đổi với PV Dân trí.
 PGS.TS. Võ Văn Phú (phải) trao đổi với PV Dân trí.

Cụ thể tại Bạch Mã và một số nơi khác của Huế, người ta thấy dấu vết chính xác của bò tót chứ chưa nhìn thấy. Trong các sách vở và cả Dư Địa Chí TT-Huế rồi đề án tổng kết thành lập Bảo tàng tự nhiên tỉnh của Sở Khoa học và Công nghệ cũng ghi và xác nhận ở Thừa Thiên Huế có bò tót.

Chỉ tiếc là con bò về đây rồi chết. Rồi sân bay phải dừng chuyến bay với hàng ngàn hành khách thiệt hại kinh tế khá lớn. Và phải mời chuyên gia từ Sài Gòn ra bắn thuốc mê khá tốn kém. 

Có cách nào khác để không cần bắn thuốc mê mà vẫn đưa được bò ra khỏi sân bay và về rừng không thưa ông?

Theo tôi, không cần đánh thuốc mê vì bò là một trong những nhóm ăn cỏ, là động vật hiền. Nó chỉ húc ai khi tự vệ, khác với con hổ khi thấy người là nó vồ. Vì vậy chúng ta chăn dắt bò tót được chứ không cần bắn thuốc mê cũng như hủy chuyến bay.

Chăn dắt bò có nghĩa là dùng lực lượng, tiếng động rồi xua nó đi, thậm chí cầm roi đập sau mông nó thì nó cũng chạy nữa. Càng về đêm thì đưa nó vào rừng càng dễ vì nó là loài thú hay ăn đêm, có tính sợ hãi (sợ các thú lớn hơn, thú ăn thịt...). Tôi khẳng định nó rất dễ chăn dắt. Mình không nên tỏ ra hận thù nó. Bằng cách nào đó để nó phải sợ mình. Dắt nó đi ban đêm qua khu dân cư, thông báo cho người dân thậm chí sơ tán dân tạm thời một lúc ngắn, rồi sau đó nó sẽ tự đi vào rừng.

PGS Phú Nếu làm theo phương pháp chăn dắt thì có lẽ bò đã không chết
PGS Phú "Nếu làm theo phương pháp chăn dắt thì có lẽ bò đã không chết"

Nếu ta dùng các phương tiện cơ giới lớn như máy cày đến bắn, đuổi nó đi - tình huống đã xảy ra trong buổi chiều 24/7 - thì chúng ta đã áp đặt nó nên con bò tót phải tự vệ, lao vào húc xe. Con bò đã bị bắn thuốc mê quá nhiều, thứ hai là kiệt sức, ăn uống không có nên điều đáng tiếc đã xảy ra.

Theo ông có phải bị mất nước nhiều mà bò tót chết?

Nghe nói có bò tót về là chúng ta sợ, lại nghe nó húc chết người (cụ bà Thí chết trên đường nghi bị bò húc - PV) thì lại càng sợ và muốn diệt nó, đưa nó đi xa chứ không cho nó hòa đồng với người dân, vì thế mà quên chuyện tiếp nước cho nó.

Con bò nặng 1,2 tấn thì thuộc dạng là phó đàn hay trưởng đàn. Nó nhút nhát lắm. Đã có nhiều câu chuyện về chăn dắt bò tót về lại thiên nhiên thành công và rất nhẹ nhàng, không tốn quá nhiều về vật lực. Chắc chắn có liên quan đến thuốc mê mà bò chết. Ngay ở TPHCM cũng nghĩ đến phương án bắn thuốc mê là to chuyện rồi.

Nghi vấn bò tót chết vì mất nước hoặc bị bắn thuốc mê quá liều

Nghi vấn bò tót chết vì mất nước hoặc bị bắn thuốc mê quá liều

Ông có những nhận định nào về nguyên nhân xuất hiện bò tót tại Huế?

Bò tót có hiện tượng đi kiếm ăn, có thể nó về từ vùng đồi núi nương rẫy phía Bắc rồi đi xuống các đồng cỏ và lạc về vùng này. Gặp xe nhiều, đèn sáng nên nó mất phương hướng và lạc.

Đặc biệt bộ động vật móng guốc như bò tót này vì ở sâu trong rừng nên rất thiếu chất muối. Do đó, nó đi kiếm nguồn thức ăn bổ sung muối là than gồm những gốc cây, rạ bị cháy sau khi rừng bị cháy. Kinh nghiệm người đi săn cũng hay đến các đám cháy là có nhiều thú rừng, trong đó có bò tót đến ăn than. Vì thế bò tót về đồng bằng cũng là chuyện bình thường.

Bò đực tháng 7 cũng là mùa động dục mạnh mẽ nhất nên có khả năng nó đi tìm bò cái. Sau tháng 7, bò cái có thai và sau 5 tháng đến mùa xuân năm sau, khí hậu tốt tươi là sinh nở. Tuy nhiên, giả thiết cao nhất của tôi về con bò tót này là nó về đồng bằng kiếm ăn, kiếm muối rồi bị lạc.

Có giả thiết đặt ra là do bị mất môi trường sống tự nhiên từ việc con người làm các đập, hồ thủy điện nên bò tót về xuôi?

Đó là điều kiện cần chứ chưa có điều kiện đủ.

Có khả năng con bò này từ Quảng Trị, nơi có nhiều bò tót, lạc sang hay không thưa ông?

Không hẳn thế, vì bò có phải có địa lý hành chính đâu. Nó có thể xuất hiện từ các vùng rừng núi nơi nào có bò.

Ông thấy chúng ta cứu hộ và ứng xử với con bò như vậy đã chuyên nghiệp chưa?

Con bò chết rất uổng. Con người không hiểu được bản chất của con bò, vì nó chỉ ăn thực vật, không bao giờ giết người. Bò tót chỉ tấn công khi bị người ta làm sao đó nên nổi lên bản năng tự vệ của nó. Không cần phải đao to búa lớn vào áp đặt con bò mà phải dùng bài toán: chăn dắt, lừa nó, đón nó để đưa vào nơi mà nó cũng muốn như mình là ở rừng. Con hổ thì phải bắn ngay, gây mê ngay vì là bản chất thú ăn thịt, vồ mồi, còn con bò thì không.

Nghi vấn bò tót chết vì mất nước hoặc bị bắn thuốc mê quá liều
Bò được cho lên xe cứu hộ sơ sài rồi chở về trại voi dưỡng sức. Nó đã chết khi cách chuồng 30m trên đường di chuyển vào

Cứ lừa nó, xử lý nhẹ nhàng với nó thì nó đi chứ xử lý thô bạo nó tưởng tấn công nó thì chết. Tôi nhấn mạnh lại là từ chăn dắt. Nếu có người tư vấn sớm thì đã không có chuyện đáng tiếc như trên. Vì không có chuyên môn cao thì người ta cứ nghĩ con nào cũng bắn gây mê rồi bỏ vào chuồng nhốt. Bò tót ăn đêm nên cũng hay di chuyển về đêm, chúng ta dựa vào điều này mà chăn dắt nó về rừng ban đêm là hợp lý nhất. Rất uổng cho con bò, uổng lắm.

Nếu may mắn bò tót còn sống, chúng ta có nên giữ lại?

Giữ lại thì cũng không được. Phải nuôi dưỡng rồi trả về thiên nhiên thôi. Vì quần thể này đếm trên đầu ngón tay nên chúng ta không thể nuôi nhốt được.

Số lượng đàn bò bót trên khắp Việt Nam hiện còn lại khoảng bao nhiêu con thưa ông?

Sao la cũng gần giống nhóm bò là bộ động vật có xương sống, hiện còn khoảng 600 con. Sao la quý vì là loài mới, có giá trị đặc hiệu cho vùng. Bò ít hơn sao la nhiều nên là loài đặc biệt quý hiếm. 

Theo ông Phú, con bò tót này bị chết tiềm sinh (một dạng chết thực vật do não đã ngưng hoạt động). Qua kết luận về nhiều điểm xuất huyết ở trong theo như báo cáo của kiểm lâm TT-Huế (phổi, khí quản có xung huyết; tim xuất huyết và tụ huyết ở cơ tim và vành mở cơ tim; gan, mật bị sưng; ruột non - ruột già xuất huyết và bên trong có máu, manh tràng có xuất huyết, hạch màng treo ruột sưng; trực tràng xuất huyết nặng...), đối chiếu với dấu hiệu chết tiềm sinh thì trong cơ thể bò lúc đó máu vẫn chảy, lưu thông và bị xuất huyết. Các dấu hiệu này không phải do bệnh mà có thể là dấu hiệu của chết tiềm sinh.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm