Vụ bò tót quý hiếm chết sau khi bị truy bắt:

“Nói bò tót chết vì bị tiêm nhiều thuốc mê là hơi quá!”

(Dân trí) - “Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu mũi thuốc mê đã được tiêm cho bò. Nói tiêm thuốc mê nhiều là không đúng và hơi quá. Họ đã dùng lưới bao bọc con bò lại cẩn thận sau khi bắn những mũi thuốc đầu tiên...”.

Trước luồng dư luận đang đặt dấu hỏi “liệu có phải do bị tiêm thuốc mê quá liều mà con bò tót quý hiếm ở sân bay Phú Bài đã chết?”, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế, về nghi vấn này. 

Thưa ông, hiện đã có kết luận chính thức về nguyên nhân con bò tót bị chết hay chưa?

Hiện nay chưa có kết luận chính thức, chúng tôi đang giao lại cho Chi cục Thú y tỉnh TT-Huế các mẫu vật để làm xét nghiệm. Nếu nói có kết luận thì chúng tôi quá hấp tấp. Theo những nhận định ban đầu của chúng tôi, nguyên nhân khách quan như trong báo cáo của chúng tôi, bò tót là loài rất mẫn cảm với các nhiễu loạn môi trường sống, bị lạc đàn, nhiều ngày phải sống trong sinh cảnh hoàn toàn không phù hợp nên sức khỏe con thú đã suy kiệt rất nghiêm trọng. Đặc biệt là bò tót rất háo nước, khả năng nhịn nước rất kém, nhất là các con trưởng thành có trọng lượng cơ thể lớn như con vừa rồi.

“Nói bò tót chết vì bị tiêm nhiều thuốc mê là hơi quá!”
Sáng 25/7, ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh TT-Huế, có cuộc trao đổi với các PV về nguyên nhân con bò tót quý hiếm bị chết

Trong khi đó khu vực sân bay thiếu nước, nhiệt độ ngoài trời cao, thời tiết trong thời điểm cứu hộ rất hanh khô, bê tông sân bay hấp thu nhiệt khiến khu vực sân bay càng nóng; thiếu thức ăn, lại bị truy đuổi, không được nghỉ ngơi, bị stress nghiêm trọng do tiếng ồn của động cơ và có rất nhiều người hiếu kỳ đứng xem xung quanh hàng rào sân bay nên khả năng suy kiệt của con vật càng nghiêm trọng.

Có một thông tin từ lãnh đạo thị xã Hương Thủy đi cùng đoàn kiểm lâm, cứu hộ cho rằng đã có tới 12 mũi tiêm thuốc mê cho con bò tót?

Tên của các loại thuốc như thế nào chúng tôi sẽ thông tin đến báo sau để thấy sự cẩn trọng của công tác cứu hộ. Nói tiêm thuốc nhiều là không đúng vấn đề. Các anh thấy họ (các chuyên gia - PV) đã dùng lưới bao bọc con bò lại cẩn thận sau khi bắn những mũi thuốc đầu tiên (sau lúc bị bọc lưới và tiêm thuốc trợ lực để cho bò khỏe lại thì bò đã vùng chạy, chuyên gia đã bắn tiếp thuốc mê thì một lúc sau bò mới ngã xuống hoàn toàn- PV). Họ đã dùng cách tốt nhất để xử lý con bò chứ các anh nói dùng thuốc mà gây hại đến con bò thì không phải và hơi quá.

Vậy xin hỏi ông đã có bao nhiêu mũi thuốc mê được tiêm cho con bò tót?

Tôi không nhớ rõ. Chúng tôi đã mời chuyên gia về làm, chuyên gia có quyền quyết định về mọi việc như thế nào. Họ yêu cầu chúng tôi làm gì thì chúng tôi theo. Chúng tôi có phải chuyên gia đâu.

Ông Hoạch không nhớ rõ có bao nhiêu mũi thuốc mê đã được tiêm cho bò tót
Ông Hoạch không nhớ rõ có bao nhiêu mũi thuốc mê đã được tiêm cho bò tót

Ông có nghĩ tới khả năng con bò bị kiệt sức rồi chết vì lý do chính là tiêm thuốc quá liều hay không?

Cái này phải chờ kết luận cuối cùng từ việc xét nghiệm của cơ quan thú y.

Như ông nói bò tót là loài rất háo nước, trong khi ở khu vực dưới sân bay lại rất thiếu nước và nóng. Vậy tại sao trong đêm 23 và ngày 24/7, dù có nhiều thời gian, cơ hội tiếp cận với bò mà đoàn cứu hộ không tạo nước nhân tạo cũng như bỏ thêm xô, chậu chứa nước cung cấp cho bò?

Nước nhân tạo rất khó làm. Nếu nó ở trong lồng hay ở nhà thì có thể cho nước hay xịt nước chứ khu vực này rộng, không biết nó ẩn nấp ở chỗ nào, làm sao tiếp nước. Các anh hỏi không đúng, các anh có ở đó đâu mà biết!

Khu vực bò tót ẩn nấp rất khô và nóng
Khu vực bò tót ẩn nấp rất khô và nóng

Còn mang xô chậu đến thì vì loài này sợ tiếng động và nhiều người nên tiếp cận khó. Có một vài lần nó còn hung hãn định lao vào tấn công anh em. Đoàn sợ dùng hóa chất nhiều sẽ có hại cho bò, phải làm thế nào để giảm thiểu hóa chất cho nó nên đã mang lưới đến khống chế sau khi bắn thuốc mê vài mũi. Đây chúng tôi đưa các anh xem hình ảnh đoàn đã cẩn trọng đến chừng nào (ông Hoạch cho báo chí xem hình ảnh đoàn cứu hộ đã dùng lưới xử lý bò tót - PV). Để tôi sẽ hỏi cơ quan thú y sau vài ngày nữa sẽ có kết quả cho anh em.

Khu vực bò tót ẩn nấp rất khô và nóng
Bức ảnh ông Hoạch cung cấp cho báo chí từ điện thoại về việc các chuyên gia dùng lưới bắt bò để tránh tiêm thuốc mê quá nhiều. 

Theo ông, các chuyên gia cứu hộ có mất quá nhiều thời gian vào việc cứu bò dẫn đến việc bò kiệt sức?

Thời gian nhanh, chậm hay vừa là phụ thuộc vào chuyên gia. Họ biết thời điểm nào là có lợi nhất để bắt.

Bò chết trong lúc nào, thưa ông?

Khi các chuyên gia đưa bò vào chuồng ở trại voi (Hương Thủy), khi chỉ cách chuồng 30 mét thì nó chết.

Xe cứu hộ đưa bò tót từ sân bay Phú Bài lên trại voi, với quãng đường gần 10 km
Xe cứu hộ đưa bò tót từ sân bay Phú Bài lên trại voi, với quãng đường gần 10 km

Tại sao khi bò đã bất tỉnh và có dấu hiệu kiệt sức nặng, ta không chọn phương án đưa vào chuồng ngay tại chỗ để hồi phục sức lực, khi nào bò khỏe sẽ cho lên trại mà phải di chuyển bò lên trại ngay lập tức?

Chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều phương án giải cứu nhưng chuyên gia đã chọn phương án này là tốt nhất.

Trại được dựng tại chỗ cho bò tót
Trại được dựng tại chỗ cho bò tót

Bò tót quý hiếm đã bị chết oan

Bò tót quý hiếm đã bị chết oan

Dư luận nói tốt là tốt mà xấu là xấu. Tại sao nhà báo không hỏi về những vấn đề tích cực của anh em chúng tôi đã hết sức với nó. Thứ nhất là đưa được bò tót ra khỏi sân bay, nối lại các chuyến bay. Thứ hai là không để bò tót sổng ra khu vực dân cư tránh làm hại dân. Thứ ba là chính quyền quá quan tâm, theo sát chỉ đạo từ chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, trung ương... tất cả các lực lượng làm tốt. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị có 2 phương án chuyển bò lên điều trị cũng như chuẩn bị chuồng, rào cho nó. Chuyên gia Sài Gòn cũng tiên lượng đề phòng mọi trường hợp khi bò ngã xuống lần đầu thì đã tiêm bổ sung nước cho nó cũng như chuẩn bị dịch để tiêm nhưng sau đó nó vùng chạy nên tiêm không được...

Ông có suy nghĩ thế nào khi xảy ra việc con bò tót quý hiếm bị chết?

Chúng tôi phải đảm bảo an toàn sân bay cũng như mong muốn bắt được bò tót và thả về rừng. Rất buồn khi cả tỉnh, trung ương, chuyên gia giỏi nhất vào cuộc nhưng cũng không làm được. Bò tót là một động vật rất quý, chúng tôi đã làm hết sức mình và không giữ nổi.

Ông có biết ở Việt Nam hiện còn bao nhiêu con bò tót?

Tôi cũng không biết rõ.

* * *

Ông Hoạch cũng cho biết thêm là việc cứu hộ động vật hoang dã thực tế là rất khó khăn, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, trong trường hợp cứu hộ lần này, các cơ quan chức năng và các chuyên gia đã lựa chọn phương án tối ưu nhất, nhưng vì nhiều lý do khách quan và bản thân sức khỏe con vật (như đã nêu ở trên) nên công tác cứu hộ lần này không như mong đợi. Ông Hoạch sẽ cho biết sẽ cung cấp kết quả xét nghiệm từ thú ý sớm nhất cho báo chí để biết được kết luận cuối cùng việc con bò chết là do nguyên nhân chính nào.

Khi các PV ngỏ ý xin số điện thoại của các chuyên gia từ Thảo Cầm Viên TPHCM để liên hệ hỏi thêm về chuyên môn cứu hộ bò tót, ông Hoạch nói đã làm mất số. Trả lời câu hỏi ở Huế đã từng xuất hiện bò tót hay chưa, ông Hoạch cho biết trước đây bà con ở Tân Ba, Hương Thủy từng ghi nhận 1 con bò lạ nhưng sau đó con vật cũng bỏ đi mất nên không thể khẳng định đó là bò tót. 
 
Trong thông cáo báo chí của Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc cứu hộ bò tót ngày 23, 24/7 tại sân bay Phú Bài có nêu đoạn “...sau khi thảo luận với chuyên gia thống nhất lựa chọn phương án bắn thuốc gây mê để đưa cá thể bò tót này về trại nuôi nhốt và sau đó nuôi cứu hộ để thả lại vào rừng...”. Tuy nhiên không có chi tiết nào nữa trong thông cáo nêu rõ chuyên gia đã bắn và tiêm bao nhiêu mũi thuốc tê cho con bò tót. Lãnh đạo chi cục kiểm lâm cũng “quên” số lượng mũi tiêm khi trực tiếp cùng đoàn chuyên gia cứu hộ bò tót. Trong khi đó, một lãnh đạo thị xã Hương Thủy cho phóng viên biết qua điện thoại chiều 24/7 là có 11 đến 12 mũi tiêm thuốc mê thì bò đã gục hẳn.

Con bò lạc vào khu dân cư Hương Thủy và sân bay Phú Bài là cá thể bò tót quý hiếm (Bos gaurus) - theo như Chi cục kiểm lâm TT-Huế xác định. Về bệnh lý, con bò tót cũng có một số dấu hiệu khá bất thường như phổi, khí quản có xung huyết; tim xuất huyết và tụ huyết ở cơ tim và vành mở cơ tim; gan, mật bị sưng; ruột non - ruột già xuất huyết và bên trong có máu, manh tràng có xuất huyết, hạch màng treo ruột sưng; trực tràng xuất huyết nặng...


Đại Dương