Cách ly F1 tại nhà: Hà Nội đang thận trọng hay rụt rè?
(Dân trí) - Sau hơn 4 tháng Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà, Hà Nội mới bắt đầu áp dụng thí điểm. Động thái này được thành phố thực hiện khi diễn biến dịch thay đổi và rất phức tạp...
Đã áp dụng từ lâu, vì sao vẫn gọi là "thí điểm"?
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Hà Nội cũng "mở cửa" trở lại các hoạt động, dịch vụ, thay đổi quy định kiểm soát người về từ các tỉnh thành nguy cơ cao, nguy cơ rất cao để từng bước giúp nền kinh tế được phục hồi.
Điều này cũng dẫn đến thực trạng Hà Nội xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng; số ca mắc gia tăng mạnh, nhưng cũng là điều đã được ngành y tế Hà Nội đã "dự đoán" được từ trước.
Ngày 16/11 vừa qua, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang thay đổi hằng ngày và rất phức tạp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các địa phương phải triển khai, diễn tập thí điểm cách ly F1 tại nhà; thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở y tế phường, xã, thị trấn.
Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng giao UBND thành phố sớm ban hành quy định về điều kiện cách ly y tế F1 (đủ điều kiện) tại nhà, giao chính quyền địa phương, tổ covid cộng đồng phối hợp y tế cơ sở kiểm tra, xác nhận bảo đảm đủ điều kiện, tổ chức cách ly theo hướng dẫn. Công tác triển khai phải chú trọng những tiêu chí hàng đầu là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Hà Nội thí điểm cách ly
Cùng ngày, Chủ tịch Hà Nội đã ký, ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND nhằm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó yêu cầu thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Động thái này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận cùng nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế. Bởi lẽ, ngày 14/7 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà. Vậy mà, sau hơn 4 tháng, Hà Nội mới ra văn bản chính thức bắt đầu áp dụng… thí điểm (?!).
Khi dư luận xôn xao và có nhiều ý kiến trái chiều, câu chuyện cách ly F1 tại nhà được Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà lý giải, trên thực tế, Hà Nội đã triển khai việc cách ly F1 tại nhà ở một số quận huyện từ trước đó, giờ là nhân rộng ra trên toàn địa bàn.
Nói rõ hơn về việc thí điểm cách ly F1 tại nhà, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, việc Hà Nội dùng từ "thí điểm" thể hiện sự thận trọng trong cách làm của thành phố, còn trên thực tế, thành phố đang triển khai nhân rộng mô hình cách ly F1 tại nhà ra toàn địa bàn.
Cách ly F1 tại nhà - lợi gì, hại gì?
Ngay khi thông tin Hà Nội triển khai việc cách ly F1 tại nhà nhưng chỉ áp dụng với 4 nhóm đối tượng ưu tiên, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội lập tức có quan điểm cho rằng, quy định này của thành phố đã không đúng quy định của Bộ Y tế và dẫn đến hiện tượng "không công bằng".
"Không có lý do gì để Hà Nội chỉ cho 4 nhóm đối tượng trên được cách ly tại nhà dù chỉ mới là thí điểm. Tại sao F1 là người khỏe mạnh, người bình thường lại không được cách ly tại nhà? Đồng thời, không có căn cứ khoa học nào để quy định 4 nhóm này sẽ ít lây nhiễm hơn hay lây nhiễm nhiều hơn so với những người còn lại" - ông Hùng lập luận.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, Hà Nội nên áp dụng cách ly tại nhà đối với tất các đối tượng thuộc diện F1 đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thay vì chỉ ưu tiên 4 nhóm đối tượng gồm: trẻ em, người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai.
"Bởi lẽ, trước Hà Nội đã có nhiều tỉnh, thành áp dụng cách ly F0, F1 tại nhà thành công. Hơn nữa, Hà Nội cũng đã có kinh nghiệm trong cách ly F2 tại nhà. Vì vậy, nên triển khai cách ly F1 tại nhà sớm, không cần triển khai từng bước"- ông Phu nói.
Phân tích về hình thức cách ly tập trung, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, thời kỳ đầu, khi cả nước thực hiện chiến lược "zero Covid-19" và việc cách ly chủ yếu cho người nhập cảnh do quân đội quản lý, ít bệnh nhân nên hình thức cách ly này đã phát huy có tác dụng và có ý nghĩa rất quan trọng vì tách được hẳn F0, F1 với cộng đồng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với chiến lược là không thể "zero F0", chấp nhận có ca mắc cộng đồng và khi có nhiều F0 thì sẽ nhiều F1. Nếu cách ly tập trung nhiều sẽ dẫn đến quá tải, cơ sở vật chất không đủ dẫn đến hệ lụy là lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Đồng thời, việc cách ly nhiều người cùng một phòng, dùng chung nhà vệ sinh thì khả năng lây nhiễm chéo cao; F1 đi cách ly cũng không thoải mái và Nhà nước phải bỏ ra kinh phí vận hành, quản lý… sẽ tốn kém.
Đối với hình thức cách ly tại nhà, ưu điểm là người dân được ở nhà, tâm lý có thể thoải mái hơn. Nếu cách ly tại nhà nghiêm chỉnh thì ít khả năng lây nhiễm chéo hơn.
Việc cách ly F1 tại nhà sẽ giúp tránh quá tải cho các khu cách ly, tránh hiện tượng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, cùng với đó là giảm thiểu ảnh hưởng về cuộc sống và kinh tế của người thuộc diện cách ly.
"Chúng ta vẫn duy trì hình thức cách ly tập trung, nhưng chỉ đối với các trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Riêng các đối tượng F1 đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế thì áp dụng cách ly tại nhà luôn. Điều này giúp giảm bớt kinh phí chi cho người dọn vệ sinh, người quản lý… Đồng thời, khi họ tự cách ly tại nhà thì họ sẽ tự lo ăn uống, tự dọn dẹp vệ sinh… sẽ đỡ tốn kém rất nhiều, tránh lãng phí và giúp tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước, nhân dân"- PGS Phu phân tích.
Cùng chung quan điểm này, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, người dân sợ đi cách ly tập trung, bên cạnh nguy cơ lây nhiễm chéo, thì một nguyên nhân khác là sự phiền hà, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của bản thân và gia đình. Đặc biệt là với những trường hợp trẻ em và người già phải đi cách ly tập trung sẽ khiến người nhà rất không an tâm.
"Chính tâm lý ngại cách ly tập trung sẽ khiến một bộ phận người dân hạn chế khai báo dù có yếu tố dịch tễ. Việc này vô tình khiến dịch dễ âm thầm lan ra cộng đồng" - ông Hùng nhận định.