Các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc muốn đầu tư tài chính, năng lượng ở Việt Nam

Hoài Thu

(Dân trí) - Trong cuộc tọa đàm kéo dài hơn một tiếng với Thủ tướng Phạm Minh Chính, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc chia sẻ muốn hợp tác và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Sáng 1/7, nhân chuyến thăm Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm với các tập đoàn lớn Hàn Quốc với sự có mặt của 50 đại diện doanh nghiệp.

Cựu Thủ tướng Hàn Quốc Han Seung-Soo chia sẻ Việt Nam và Hàn Quốc chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành đối tác quan trọng nhất của nhau ở châu Á. Ông ghi nhận Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Những lời đề nghị hợp tác về năng lượng, hàng không, đóng tàu

"Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, về cả ngoại giao, chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định.

Năm 2023, ông cho biết kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 76 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba, đối tác ODA lớn thứ hai và là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam với gần 87 tỷ USD cùng 10.000 dự án.

Các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc muốn đầu tư tài chính, năng lượng ở Việt Nam - 1

Lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm bàn tròn (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng cho biết Việt Nam định hướng xây dựng nền kinh tế tự chủ nhưng tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả; xây dựng đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng.

"Việt Nam cũng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng cho biết tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy, đạt 6,92 -  là mức cao của thế giới. Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Jung Yeoin, Chủ tịch Doosan Enerbility, cho biết tập đoàn này vào Việt Nam từ 2006 và đang muốn tham gia vào các dự án điện gió, điện khí của Việt Nam.

"Phát điện là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ, cùng Việt Nam đào tạo về chuyên môn", ông Jung Yeoin và đề nghị Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Ông Jung In Sub, Giám đốc điều hành Hanwha Aerospace, cho biết Tập đoàn này mong muốn cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng động cơ máy bay ở Việt Nam.

Theo ông, Việt Nam có nhiều hãng hàng không lớn có nhu cầu nhưng phải ra nước ngoài như Mỹ, Singapore để bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Vì vậy, Tập đoàn này hy vọng thời gian tới sẽ làm được các công việc bảo dưỡng, bảo trì máy bay ở Việt Nam.

Các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc muốn đầu tư tài chính, năng lượng ở Việt Nam - 2

Đại diện các tập đoàn lớn của Hàn Quốc dự tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trong khi đó, ông Kim Hyung Kwa, Chủ tịch và Giám đốc điều hành HD Hyundai Mipo, cho biết đơn vị đang đầu tư mạnh vào Việt Nam để cùng Việt Nam phát triển ngành đóng tàu. Ông mong muốn HD Hyundai Mipo sẽ trở thành doanh nghiệp cùng Việt Nam tạo ra những sản phẩm tàu được đóng có uy tín trên thế giới.

Theo ông, đơn vị đang cố gắng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường vào ngành đóng tàu để đóng góp vào sự phát triển bền vững cho ngành đóng tàu của Việt Nam.

Dư địa hợp tác rất lớn giữa Việt Nam - Hàn Quốc

Trả lời các vấn đề về năng lượng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt 4 quy hoạch ngành quốc gia. Quy hoạch đã có, cơ chế đang hoàn thiện trong khi Hàn Quốc có nhu cầu hợp tác, vì thế, theo ông Diên, hai bên đang có dư địa rất lớn để hợp tác.

Nhấn mạnh nhu cầu lớn về năng lượng, ông Diên khẳng định Việt Nam đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Ông cho biết để  đảm bảo năng lượng trong mọi tình huống, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo 6 giải pháp, trong đó có việc áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp; hoàn thiện cơ chế điện mặt trời áp mái theo hướng tự sản, tự tiêu; rà soát điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.

Các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc muốn đầu tư tài chính, năng lượng ở Việt Nam - 3

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thêm Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn điện. Nhu cầu sử dụng điện những tháng đầu năm nay đã tăng 15%, với đà này còn tiếp tục tăng, song theo Thủ tướng, Việt Nam đảm bảo không thiếu điện.

Liên quan đề nghị của doanh nghiệp về bảo trì, bảo dưỡng động cơ máy bay, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang phát triển kinh tế hàng không với nhiều hệ thống sân bay và số lượng tàu bay lớn nên hợp tác về bảo trì, bảo dưỡng máy bay là nội dung mà Việt Nam rất cần.

Về hợp tác đóng tàu, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đây là nhu cầu lớn do Việt Nam đang phát triển kinh tế biển và ngành công nghiệp đóng tàu.

Đặc biệt, Việt Nam có ĐSCL là vùng sông nước, giao thông thủy đóng vai trò hết sức quan trọng và nhu cầu đóng tàu rất lớn. Vì vậy, Thủ tướng hoan nghênh hợp tác trong lĩnh vực này.

Nhiều tập đoàn tài chính lớn của Hàn Quốc cũng chia sẻ mong muốn hợp tác và đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp tài chính Việt Nam. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam nhất quán chính sách không phân biệt các thành phần kinh tế, tất cả đều bình đẳng trong môi trường kinh doanh.

Nhấn mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện minh bạch, bình đẳng, đúng quy định, ông Phớc đề nghị các tập đoàn tài chính Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc muốn đầu tư tài chính, năng lượng ở Việt Nam - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Đoàn Bắc).

Chia sẻ thêm về định hướng chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc đang mở ra chân trời hợp tác mới trên tinh thần toàn diện, toàn cầu, toàn dân, nhằm hiện thực hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại 2025 đạt 100 tỷ USD, đến 2030 đạt 150 tỷ USD.

Ông khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc vào đầu tư lĩnh vực tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và mong các đối tác hỗ trợ Việt Nam về tài chính, xây dựng hạ tầng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tinh thần "3 cùng" được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh là "cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển".

Hoài Thu (Từ Seoul, Hàn Quốc)