Thủ tướng muốn Việt - Hàn có công trình biểu tượng như đường sắt cao tốc

Hoài Thu

(Dân trí) - Nhắc đến định hướng tăng cường hợp tác phát triển (ODA), Thủ tướng cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc có thể nghiên cứu công trình mang tính biểu tượng chung, như đường sắt cao tốc.

Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc, chiều 3/7.

Cuộc chia sẻ kéo dài hơn một tiếng với nhiều thông điệp được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề cập. Ông cũng dành thời gian trực tiếp trả lời câu hỏi của các đại biểu tham dự sự kiện.

Việt Nam đang thu hút nhà đầu tư quốc tế

Đại học quốc gia Seoul, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là cái nôi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng Hàn Quốc như Tổng thống Yoon Suk-yeol, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc.

Giáo sư Ryu Hong Lim, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul, đánh giá Việt Nam đang thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế với tư cách là quốc gia công nghiệp mới nổi năng động nhất, tăng trưởng nhanh nhất, cũng như mẫu mực nhất.

Tất cả các chỉ số kinh tế như sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu trong nước đều cải thiện một cách đáng kể, theo lời Giáo sư Ryu Hong Lim.

Thủ tướng muốn Việt - Hàn có công trình biểu tượng như đường sắt cao tốc - 1

Giáo sư Ryu Hong Lim, Giám đốc Đại học Quốc gia Seoul (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông cho biết Việt Nam có nhiều tài năng trẻ và nền tảng khoa học, nhất là toán học với tiềm năng vượt trội. Do đó, hai nước được kỳ vọng là những đối tác hoàn hảo trong phối hợp giải quyết những vấn đề đang phải đối mặt, đặc biệt hợp tác về nghiên cứu, phát triển công nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đại học Quốc gia Seoul là một đại học hàng đầu của châu Á và nổi tiếng trên thế giới - là biểu tượng của nền giáo dục chất lượng cao Hàn Quốc - đất nước có hơn 70.000 sinh viên Việt Nam du học.

Theo Thủ tướng, trong thời đại phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đào tạo, nhất là bậc đại học và sau đại học ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng, đóng vai trò then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.

Nhắc tới câu nói "Giáo dục là kế sách trăm năm" của Hàn Quốc, Thủ tướng cho biết Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng giáo dục đào tạo, xác định rõ là quốc sách hàng đầu, mang tính chiến lược lâu dài nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Đổi mới sáng tạo không có giới hạn

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để hướng tới "những chân trời tăng trưởng mới", cần đề cao đối thoại, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp tác và phát triển.

"Các bên cần cùng nhau xây dựng, củng cố lòng tin, giải quyết hiệu quả những vấn đề mang tính khu vực, toàn cầu trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích, không chính trị hóa quan hệ kinh tế", Thủ tướng nói.

Thủ tướng muốn Việt - Hàn có công trình biểu tượng như đường sắt cao tốc - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền tải nhiều thông điệp quan trọng trong bài phát biểu chính sách tại Đại học quốc gia Seoul (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông cũng nhấn mạnh quan điểm "không chính trị hóa khoa học công nghệ", vì đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ là không có giới hạn.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động khó lường, Thủ tướng cho biết Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bởi Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi với quy mô khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế trước các cú sốc từ bên ngoài.

Xác định thách thức nhiều hơn thời cơ, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cần phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, trong đó tập trung thúc đẩy 6 lĩnh vực trọng tâm.

Về những thành tựu chủ yếu trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng nhận định sau hơn 30 năm, mối quan hệ này đã có những bước phát triển vượt bậc về chính trị, thương mại, đầu tư, hợp tác lao động, du lịch và hợp tác giữa các địa phương…

"Hàn Quốc tiếp tục là đối tác số 1 về đầu tư trực tiếp, du lịch, số 2 về hợp tác phát triển (ODA), số 3 về lao động, thương mại của Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc trong ASEAN.

Thủ tướng cũng nhận định hợp tác lao động mở rộng hơn với gần 70.000 lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và đang có xu hướng tăng lên, trong đó hạn ngạch lao động tăng 13% so với năm 2023.

Thủ tướng trả lời câu hỏi "rất hay nhưng rất khó"

Về tầm nhìn thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển hơn nữa với những cách làm mới, tư duy mới và định hướng mới, trong đó tập trung thúc đẩy 5 "ưu tiên".

Thủ tướng muốn Việt - Hàn có công trình biểu tượng như đường sắt cao tốc - 3

Toàn cảnh buổi phát biểu về chính sách của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại học quốc gia Seoul (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trong đó, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhắc đến việc tăng cường hợp tác phát triển (ODA), nhất là các dự án quy mô lớn với điều kiện ưu đãi đặc biệt, triển khai các công trình biểu tượng cho quan hệ hai nước.

"Lần này chúng tôi đặt vấn đề với Hàn Quốc để chúng ta nghiên cứu có công trình biểu tượng, ví dụ như đường sắt cao tốc hoặc công trình mang tính biểu tượng cho hai đất nước, hai dân tộc", Thủ tướng gợi mở.

Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của quan hệ hai nước, Thủ tướng cho rằng thế hệ trẻ, sinh viên, là lực lượng tiên phong trong phát triển và xây dựng đất nước.

"Chỉ cần có hoài bão, ý chí mạnh mẽ, nỗ lực hết mình, hướng đi đúng đắn, các em sẽ đạt được mục tiêu, ước mơ của cuộc đời mình, cho dù có khó khăn, thử thách đến bao nhiêu", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chia sẻ.

Ngay sau khi kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng đã trả lời các câu hỏi của các giáo sư cũng như nghiên cứu sinh tại Đại học quốc gia Seoul.

Chị Bùi Thị Mỹ Hằng, người vừa nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Quốc gia Seoul, muốn biết tầm nhìn của Thủ tướng về mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc và giải pháp để cân bằng hơn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Thủ tướng muốn Việt - Hàn có công trình biểu tượng như đường sắt cao tốc - 4

Chị Bùi Thị Mỹ Hằng đặt câu hỏi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Câu hỏi rất hay nhưng rất khó", Thủ tướng nói.

Về tầm nhìn quan hệ hai nước, Thủ tướng nhận định gồm: Tin cậy chính trị ngày càng cao hơn; hòa nhập hai nền kinh tế ngày càng sâu rộng và tích cực, chủ động hơn; khai thác hiệu quả hơn tương đồng về văn hóa; gắn kết hơn về con người; cùng nhau hợp tác để biến khát vọng, "giấc mơ Việt Nam, giấc mơ Hàn Quốc".

Chia sẻ giải pháp để cân bằng hơn trong quan hệ hợp tác song phương, Thủ tướng nêu nguyên tắc là "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển".

Trả lời câu hỏi của vị giáo sư Đại học quốc gia Seoul về giải pháp nâng cao năng lực quản trị quốc gia, Thủ tướng nhấn mạnh 3 vấn đề. Một là đường lối, chính sách phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam và xu thế thế giới. Hai là đội ngũ cán bộ để thực thi chính sách và ba là tổ chức thực hiện đường lối, chính sách một cách hiệu quả.

Hoài Thu (Từ Seoul, Hàn Quốc)