1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Các quy định mới về trách nhiệm chữa cháy của cá nhân, tổ chức

Văn Yên

(Dân trí) - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trưởng thôn, chủ tịch UBND cấp xã trở lên có trách nhiệm tổ chức chữa cháy, huy động lực lượng, người, phương tiện theo đề nghị của chỉ huy chữa cháy...

Tại Điều 25 dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định về trách nhiệm chữa cháy thể hiện, người phát hiện cháy, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gần nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chữa cháy trong điều kiện, khả năng cho phép.

Thứ hai, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, chủ tịch UBND cấp xã trở lên có trách nhiệm tổ chức chữa cháy thuộc phạm vi quản lý; huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản theo thẩm quyền tham gia chữa cháy theo đề nghị của người chỉ huy chữa cháy.

Các quy định mới về trách nhiệm chữa cháy của cá nhân, tổ chức - 1

Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia diễn tập chữa cháy tại một tổ hợp khu chung cư ở Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh).

Thứ ba, cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và cơ quan, tổ chức, đoàn thể khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp tham gia chữa cháy ngay khi có yêu cầu của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH có thẩm quyền hoặc người chỉ huy chữa cháy; điều động người và phương tiện thuộc phạm vi quản lý đến nơi xảy ra cháy để tham gia, hỗ trợ chữa cháy khi được huy động.

Thứ tư, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi nhận được tin báo cháy thuộc phạm vi quản lý hoặc nhận được mệnh lệnh, quyết định huy động phải kịp thời đến chữa cháy.

Thứ năm, lực lượng công an nhân dân có trách nhiệm tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy; tham gia chữa cháy; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lực lượng, phương tiện đi chữa cháy được lưu thông nhanh nhất.

Thứ sáu, UBND địa phương giáp ranh với địa phương nơi xảy ra cháy, có trách nhiệm huy động lực lượng, người, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi quản lý tham gia chữa cháy khi người chỉ huy chữa cháy đề nghị.

Thứ bảy, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về công tác trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức chữa cháy của lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH và các lực lượng khác trong công an nhân dân.

Thứ tám, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về trách nhiệm chữa cháy đối với công trình, cơ sở, phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng; phối hợp với Bộ Công an tổ chức chữa cháy đối với công trình lưỡng dụng theo quy định của Chính phủ.

Cũng theo dự thảo Luật PCCC&CNCH, nội dung khắc phục hậu quả vụ cháy bao gồm các hoạt động như: tổ chức cấp cứu ngay người bị nạn; cứu trợ, giúp đỡ người bị thiệt hại ổn định đời sống; thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự, an toàn xã hội; phục hồi kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có cơ sở bị cháy, chủ tịch UBND, chủ phương tiện giao thông có phương tiện bị cháy, chủ hộ gia đình có nhà bị cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc chữa cháy trong điều kiện, khả năng cho phép.

Điều 31 dự thảo Luật PCCC&CNCH quy định về việc chữa cháy trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này như sau:

Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH của Việt Nam khi được phép vào trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này để chữa cháy thì phải tuân theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam.

Lực lượng PCCC&CNCH của Việt Nam có trách nhiệm chống cháy lan bên ngoài trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và nhà ở của thành viên các cơ quan này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm