1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Các phương án cổng chào đòi hỏi kết cấu bền vững”

(Dân trí) - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, các phương án cổng chào đề xuất có quy mô lớn, đòi hỏi phải có kết cấu ổn định, bền vững, không thể là công trình tạm. Điều này khác với yêu cầu đặt ra cho phương án xây cổng chào mà TP Hà Nội đã “quyết”.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa gửi UBND TP Hà Nội bản đóng góp ý kiến với phương án ý tưởng kiến trúc 05 cổng chào tại các cửa ngõ vào thành phố phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
 
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc nghiên cứu xây dựng các công trình mang tính biểu tượng tại các cửa ngõ hướng về Hà Nội đã được thành phố tiến hành từ lâu (trên dưới 10 năm) thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, các cuộc thi kiến trúc có sự tham gia của nhiều đơn vị tư vấn của trong và ngoài nước, nhưng rất tiếc vì nhiều lý do mà các kết quả nghiên cứu này đã không đi đến được đích cuối cùng.
 
Với các phương án xây dựng 05 cổng chào mang tính biểu tượng tại 05 tuyến đường hướng về thủ đô như đề xuất lần này, Hội Kiến trúc sư cho rằng, không có sự kế thừa đối với những kết quả nghiên cứu trước đó.
 
“Các phương án cổng chào đòi hỏi kết cấu bền vững” - 1
Hội Kiến trúc sư cho rằng, chất lượng của các phương án chưa đáp ứng được mong đợi của giới
 
Cũng theo Hội, các phương án đề xuất có quy mô lớn, đòi hỏi phải có kết cấu ổn định, bền vững, không thể là công trình tạm (trong khi UBND Thành phố Hà Nội lại cho rằng, thiết kế cổng chào đảm bảo yêu cầu là công trình không mang tính chất vĩnh cửu, là công trình có thể chỉnh sửa được).
 
Thêm nữa, Hội cho rằng, bản thân công trình cũng không có chức năng sử dụng, địa điểm quá xa, độc lập với các hoạt động của cộng đồng trong những ngày lễ hội. Việc sử dụng hình tượng chưa chọn lọc (rồng chầu, trống đồng bị chia cắt, cọc Bạch Đằng…) dễ gây phản cảm…
 
“Về cơ bản, chất lượng của các phương án chưa đáp ứng được sự mong đợi của giới”, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá.
 
Hội Kiến trúc sư cũng cho rằng, việc tìm kiếm các giải pháp kiến trúc công trình để góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, cũng như bề dày lịch sử, giá trị văn hóa đất Thăng Long vốn dĩ là việc làm rất khó, cần nhiều thời gian với những nghiên cứu cẩn trọng.
 
Để kịp đón chào đại lễ, Hội KTSVN góp ý, thành phố chỉ nên xây dựng một số cổng chào mang tính chất chào mừng, với hình thức kiến trúc đơn giản, dễ làm, có quy mô vừa phải, ít tốn kém, tiếp cận gần khu vực trung tâm và các điểm hoạt động của cộng đồng trong các ngày lễ hội…
 
“Các phương án cổng chào đòi hỏi kết cấu bền vững” - 2
Việc xây dựng cổng chào có quy mô lớn cần những nghiên cứu bài bản và kỹ lưỡng
 
Việc xây dựng các cổng chào có quy mô lớn, mang tính bền vững, biểu tượng cho các giá trị văn hóa lịch sử của thủ đô sẽ thực hiện sau khi có đủ điều kiện về thời gian với những nghiên cứu bài bản và kỹ lưỡng.
 
Cho đến thời điểm này, phương án lắp dựng 4 cổng chào đã được UBND TP Hà Nội quyết định – điều này có nghĩa bản đóng góp ý kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã… “đến muộn”.
 
Tuy thế, trong văn bản ngày 28/6 của UBND TP Hà Nội lại viết “Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan chuyên môn, ý kiến góp ý của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Thành phố Hà Nội đã đồng ý phương án lắp dựng cổng chào…”.
 
Chưa kể, ngày 25/6 UBND TP Hà Nội mới có công văn đề nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam góp ý phương án ý tưởng kiến trúc 05 cổng chào nên trong công văn phúc đáp ngày 30/6 với nội dung đã nói ở trên, Hội Kiến trúc sư cho rằng, do thời gian quá gấp, không thể nghiên cứu góp ý một cách chi tiết và cụ thể.
 
Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm