Bí thư Hà Nội: “Chưa làm cổng chào vĩnh cửu”
(Dân trí) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng cổng chào theo hướng bán kiên cố để trong trường hợp chưa đạt có thể dỡ ra làm lại, còn nếu được sự đồng thuận sẽ làm vĩnh cửu…
Tại buổi giao ban giữa lãnh đạo thành phố với lãnh đạo các quận, huyện sáng 25/6, ông Phạm Quang Nghị cho rằng, việc xây dựng cổng chào tại các cửa ngõ Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm. Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến được đặt ra xung quanh việc này.
Chẳng hạn, có nhất thiết phải làm cổng chào, làm như vậy có tốn kém không và nên chăng dùng tiền đó làm trường học, trạm xá, hỗ trợ người nghèo… Chưa hết, trong trường hợp làm, sẽ làm 5 hay làm ít hơn, làm tại đâu và kiểu dáng như thế nào.
Trước những ý kiến trên, ông Nghị cho biết, thành phố sẽ cân nhắc khẩn trương một lần nữa theo hướng lắng nghe dư luận để có sự đồng thuận về quy mô, hình thức, hướng tuyến…
Bí thư Phạm Quang Nghị: Sẽ làm cổng chào bán kiên cố
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng dẫn ra kinh nghiệm của Phú Thọ trong việc làm cổng chào dẫn vào Đền Hùng. Cụ thể, cứ 5 năm tỉnh này dựng lên một cổng chào bán kiên cố để thăm dò ý kiến dư luận và đến năm vừa rồi mới xây dựng cổng kiên cố với 4 trụ theo cách truyền thống.
Từ kinh nghiệm của tỉnh bạn, ông Nghị cho biết, thành phố sẽ chỉ đạo làm theo hướng “rất cân nhắc”, tức không làm vĩnh cửu ngay mà làm bán kiên cố. Với cách làm đó, trong trường hợp chưa đạt, sẽ dỡ ra làm lại.
“Cần phải làm nhưng chúng ta làm 3 hay 5 cổng bán kiên cố ở những hướng tuyến quan trọng nhất, sau đó mọi người đồng thuận sẽ làm kiên cố”, ông Nghị nhấn mạnh.
Về kinh phí đầu tư làm cổng chào, ông Nghị cho rằng, con số nêu lên vừa qua (50 tỷ đồng) mới chỉ là con số khái toán, còn thực tế làm sẽ không đến như vậy. “Các đơn vị tài trợ nói con số lớn để thể hiện nhiệt tình của mình, chứ làm sẽ không hết chừng đó”, ông Nghị phân tích.
Sẽ không có lô gô của doanh nghiệp tại cổng chào.
Ông Nghị cũng cho rằng, phần an sinh xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, thành phố đã tính, không phải vì làm cổng chào sẽ không làm được những việc đó.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình cho biết thêm, kinh phí giải phóng mặt bằng làm cổng chào sẽ được lấy từ ngân sách thành phố. Ông Bình cũng khẳng định, tại các cổng chào sẽ không có lô gô của các doanh nghiệp tài trợ.
Chuyển sang vấn đề chỉnh trang đô thị thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhận định, còn có sự thiếu đồng bộ giữa các ngành. Việc đào đường còn tràn lan, thời gian thi công kéo dài, vỉa hè biến thành nơi tập kết vật liệu…
“Chúng ta như thừa thắng xông lên, mở ra làm ồ ạt ở nhiều nơi, trong khi cách làm lại chưa phù hợp”, ông Nghị đánh giá.
Về thời gian tới, ông Nghị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án chỉnh trang đô thị, cố gắng hoàn thành các công trình trong tháng 7 - chỉ trừ những việc không đừng được mới kéo dài qua tháng này. Cùng đó, việc thi công cần thực hiện theo hướng, quan tâm đến chất lượng, làm đến đâu gọn đến đó, tránh ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Nói về những bài học kinh nghiệm trong việc chỉnh trang đô thị, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện cho rằng, những công việc của thành phố nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng đều rất nhạy cảm. Ông dẫn chứng, việc lát đá Hồ Gươm đã được quy hoạch từ năm 2008, nhưng vừa qua khi mới triển khai đã “vấp” những ý kiến phản hồi của dư luận. Theo ông Viện, đá lát tại Hồ Gươm không hề trơn trượt. Thêm nữa, nếu nói việc lát đá này tốn kém thì thực tế quận cũng đã lát đá xanh cho 95% vỉa hè phố cổ, trong đó có cả khu vực tượng đài Lý Thái Tổ… “Các sở ngành cũng đã phê duyệt việc lát đá vỉa hè Hồ Gươm, nhưng qua việc này chúng tôi nhận thấy, chỉ đúng vẫn là chưa đủ”, ông Viện nói. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị sau đó cũng cho rằng, việc lát đá cho vỉa hè Hồ Gươm được các ngành phê duyệt, nhưng cũng không hẳn là hợp lý. |
Cấn Cường