1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Các cơ chế giải quyết tranh chấp về biển hiện nay

Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hoà bình là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ).

Diễn tập cứu nạn trên vùng biển đảo Đá Tây (Quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa). Ảnh: H.U.Y

 Diễn tập cứu nạn trên vùng biển đảo Đá Tây (Quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa). Ảnh: H.U.Y

 

Liên quan đến các tranh chấp về biển, Công ước Luật Biển năm 1982 đã dành toàn bộ phần thứ XV với 21 điều và 4 phụ lục để nói về giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích và thực hiện các điều khoản của công ước. Trước hết, công ước quy định nghĩa vụ của các bên là giải quyết các tranh chấp nảy sinh bằng các biện pháp hoà bình theo quy định của Hiến chương LHQ. Sau đó, khi đi vào các nghĩa vụ cụ thể, công ước nêu rõ nếu xảy ra tranh chấp liên quan đến việc giải thích và thực hiện công ước thì các bên phải ngay lập tức trao đổi ý kiến để giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác.

 

Trong giai đoạn này, các bên cũng có thể đưa các tranh chấp ra hòa giải. Nhưng nếu các thủ tục thương lượng và hoà giải không đem lại kết quả thì tranh chấp phải được đưa ra để giải quyết bằng tòa án quốc tế hoặc trọng tài quốc tế. Về thủ tục này, công ước quy định 4 cơ chế quốc tế để các bên tranh chấp lựa chọn. Đó là Tòa án quốc tế La Hay, Tòa án quốc tế về Luật Biển, Trọng tài quốc tế và Trọng tài quốc tế đặc biệt.

 

Tòa án quốc tế La Hay (International Court of Justice) ra đời cùng với sự xuất hiện của LHQ. Tòa án quốc tế là một trong các cơ quan chính của LHQ. Trụ sở của tòa đặt tại La Hay, nên tòa thường được gọi là Tòa án quốc tế La Hay. Quy chế của tòa án là một bộ phận của Hiến chương LHQ. Tòa án có  thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia. Các thẩm phán của tòa án được Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng LHQ bầu. Để trúng cử, ứng cử viên phải đạt đa số phiếu tuyệt đối ở cả hai cơ quan.

 

Theo quy định, trong nhiệm kỳ đầu, 1/3 số thẩm phán có nhiệm kỳ 3 năm, 1/3 số thẩm phán khác có nhiệm kỳ 6 năm và số còn lại có nhiệm kỳ 9 năm. Các thẩm phán bầu ra chánh án và phó chánh án với nhiệm kỳ 3 năm. Số ghế thẩm phán được các khu vực địa lý thống nhất phân bổ. Các thẩm phán và trụ sở của tòa án được hưởng các ưu đãi, miễn trừ ngoại giao. Hiện nay, chánh án của tòa là ông P.Tomca (Slovakia) và các thẩm phán là công dân Mexico, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Marocco, Nga, Brazil, Somalia, Anh, Trung Quốc, Mỹ, Italia, Uganda và Ấn Độ.

 

Không phải trong các vụ việc nào cũng phải đủ 21 thẩm phán. Đối với một số loại vụ việc nhất định, ví dụ như các vụ liên quan lao động, quá cảnh và thông tin, Tòa án quốc tế La Hay có thể lập các phòng xét xử gồm 3 thẩm phán trở lên.  Tòa án cũng có thể lập các phòng xét xử các vụ việc cụ thể với thành phần gọn nhẹ được các bên chấp nhận. Cho đến nay, đã có 6 trường hợp như vậy với 5 thẩm phán. Để đẩy nhanh công việc xét xử hằng năm, tòa án sẽ lập phòng xét xử với 5 thẩm phán để tiến hành vụ kiện theo thủ tục rút gọn. Loại này cũng chưa vận dụng đến. Tòa có 3 uỷ ban là Uỷ ban Ngân sách và Tài chính (chánh án, phó chánh án và 3 đến 4 thẩm phán), Uỷ ban Thủ tục với 6 thẩm phán và Uỷ ban Thư viện với 3 thẩm phán.

 

 Tòa án có thẩm quyền xét xử mọi tranh chấp do các bên đưa ra và mọi vấn đề được quy định trong Hiến chương LHQ hoặc trong các điều ước quốc tế hiện hành, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Điều kiện cần thiết ở đây là sự đồng ý của các bên. Việc đồng ý chấp nhận ràng buộc của tòa được thể hiện qua tuyên bố đơn phương, qua thỏa thuận với nhau hoặc qua quy định trong văn bản điều ước quốc tế liên quan. Khi xét xử các vụ kiện, tòa áp dụng các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các nguyên tắc chung của pháp luật. Đồng thời, tòa cũng sẽ vận dụng các phán quyết, học thuật của các học giả nổi tiếng như là các công cụ hỗ trợ.

 

Theo quy định, các thẩm phán của quốc gia tham gia vụ kiện trước toà vẫn có quyền tham gia xét xử. Trong trường hợp đó, nếu quốc gia khác tham gia vụ kiện nhưng không có thẩm phán làm việc ở toà thì có thể chọn một người nào đó để tham gia với tư cách thẩm phán. Nếu cả hai bên tranh chấp không có thẩm phán nào ở tòa thì cả hai bên có quyền chọn thẩm phán cho mình.

 

Các phán quyết của tòa án được thông qua bằng đa số phiếu. Tương tự như Toà án quốc tế về Luật Biển, trong trường hợp số phiếu ngang nhau thì phiếu của chánh án là quyết định. Mọi phán quyết của tòa là cuối cùng và không được kháng án. Trong lịch sử 66 năm của mình, Tòa án quốc tế La Hay đã giải quyết hơn 60 tranh chấp giữa các quốc gia; trong đó có nhiều tranh chấp liên quan đến các vấn đề biên giới, lãnh thổ đất liền và phân định các vùng biển giữa các quốc gia.

 

Về phân định ranh giới biển có các vụ như vụ kiện về thềm lục địa giữa Đức và Đan Mạch năm 1967, vụ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ kỳ năm 1976, vụ giữa Mỹ và Canada năm 1981, vụ giữa Ukraina và Romania năm 2010.  Liên quan tranh chấp chủ quyền đối với các đảo có các vụ như vụ kiện giữa Indonesia và Malaysia năm 1998, vụ kiện giữa Malaysia và Singapore năm 2003. Liên quan tranh chấp biên giới trên đất liền có các vụ như vụ kiện về đền Prếtvihia giữa Campuchia và Thái Lan năm 1957, vụ kiện giữa Libya và CH Sát năm 1990, vụ kiện giữa Benin và Nigeria năm 2002. Hiện nay, Tòa án quốc tế La Hay đang tiếp tục xem xét 13 vụ kiện giữa các quốc gia. Tòa án quốc tế La Hay cũng có thẩm quyền cung cấp ý kiến tư vấn về các vấn đề pháp lý theo đề nghị của Đại Hội đồng, Hội đồng Bảo an và các cơ quan khác của LHQ cũng như các tổ chức chuyên môn.

 

Cho đến nay, tòa án đã cung cấp ý kiến tư vấn trong nhiều vụ việc. Đặc biệt đáng chú ý là năm 1996, toà đã ra ý kiến về vấn đề mà Đại Hội đồng LHQ khoá 49 nêu ra là theo luật pháp quốc tế việc đe doạ hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân có được phép không. Toà án quốc tế La Hay đã kết luận việc đe doạ hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân là trái với các quy phạm của luật pháp quốc tế. Năm 2012, tòa án cũng đã xử lý vụ Tòa án Hành chính của Tổ chức Luơng thực và Nông nghiệp thế giới xin ý kiến tư vấn.

 

Tòa án quốc tế về Luật Biển (International Tribunal for the Law of the Sea) là một cơ chế tư pháp quốc tế rất mới. Quy chế của tòa án này quy định ở ngay trong Công ước Luật Biển năm 1982. Sự ra đời của nó gắn liền với bản công ước và được bắt đầu từ khi công ước Luật Biển năm 1982 có hiệu lực. Thẩm quyền của tòa án hẹp hơn so với tòa án quốc tế La Hay. Tòa án quốc tế La Hay không chỉ giải quyết các vụ kiện liên quan luật biển quốc tế mà còn giải quyết các vụ kiện liên quan luật ngoại giao, lãnh sự, hàng không, biên giới, lãnh thổ.

 

Trong khi đó,  Tòa án quốc tế về Luật Biển chỉ giải quyết những vấn đề thuộc công ước Luật Biển năm 1982. Theo quy định, nếu khi giữa các quốc gia xảy ra tranh chấp liên quan việc giải thích và áp dụng công ước thì Tòa án quốc tế về Luật Biển sẽ giải quyết khi cả các bên tranh chấp đều chọn thủ tục đưa ra tòa này. Nếu các bên lựa chọn các thủ tục khác nhau thì vụ việc chỉ có thể đưa ra giải quyết tại cơ chế trọng tài  theo phụ lục VII dưới đây.

 

Các thẩm phán của tòa án này do hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 bầu với nhiệm kỳ 9 năm. Các khu vực địa lý được phân bổ số ghế thẩm phán nhất định. Cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra vào tháng 8.1996. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, 1/3 số thẩm phán có nhiệm kỳ 3 năm, 1/3 khác có nhiệm kỳ 6 năm và 1/3 còn lại có nhiệm kỳ 9 năm. Sau đó, các thẩm phán bầu chánh án với nhiệm kỳ 3 năm. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định các thẩm phán của toà án được hưởng các ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

 

Căn cứ vào quy định đó, các quốc gia thành viên công ước đã thông qua Hiệp định về ưu đãi miễn trừ của toà án cũng như của các thẩm phán. Thông thường, để tiến hành xét xử thì cần có 11 thẩm phán. Trong cơ chế tổ chức của toà án có phòng xét xử các tranh chấp ở đáy đại dương gồm 11 thẩm phán với nhiệm kỳ 3 năm. Hằng năm, tòa án lập phòng đặc biệt với 5 thẩm phán. Ngoài ra, tòa án cũng có thể lập các phòng gọn nhẹ để xét xử các loại tranh chấp cụ thể.

 

Tòa án quốc tế về Luật Biển ngoài việc chỉ giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, còn có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia với các thực thể khác liên quan các hoạt động ở đáy đại dương. Cho đến nay, Tòa án quốc tế về Luật Biển đã thụ lý 19 vụ việc, trong đó có 18 vụ kiện và 1 vụ cung cấp ý kiến tư vấn. Vụ kiện đầu tiên mà tòa giải quyết là vụ giữa Xanh Vinxen và Grenadin và Ghinê vào năm 1997. Còn ý kiến tư vấn thì tòa án đã thụ lý một vụ việc do Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương đưa lên. Các phán quyết của tòa án được thông qua bằng đa số phiếu.

 

Trong trường hợp phiếu thuận và phiếu chống ngang nhau thì phiếu của chánh án sẽ quyết định. Thực tiễn xét xử của Toà  án quốc tế về Luật Biển thời gian qua cho thấy, trong nhiều trường hợp tòa án phải bỏ phiếu nhiều lần đối với các khía cạnh khác nhau. Ví dụ, trong vụ kiện giữa Bangladesh và Myanmar về phân định biển gần đây, tòa đã bỏ phiếu 7 lần về các nội dung khác nhau của phán quyết. Phán quyết của Tòa án quốc tế về Luật Biển là cuối cùng và không được xem xét lại. Về chi phí, các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 khi đưa vụ việc ra tòa để giải quyết thì không phải trả các chi phí cho phiên tòa. Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài thì các vụ việc sẽ được các bên tranh chấp đưa ra Tòa án quốc tế về Luật Biển nhiều hơn.

 

Trọng tài quốc tế theo phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982: Cơ chế trọng tài này có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp liên quan công ước, trừ những vụ kiện liên quan đánh cá, bảo vệ môi trường biển, hàng hải và nghiên cứu khoa học biển. Trọng tài quốc tế chung theo phụ lục VII có 5 trọng tài viên. Mỗi bên tranh chấp cử 1 trọng tài (có thể là công dân của mình) từ danh sách do Tổng Thư ký LHQ lập. Mỗi quốc gia thành viên công ước được quyền tiến cử 4 cá nhân có trình độ về các vấn đề biển và có uy tín cao làm trọng tài viên để Tổng Thư ký LHQ đưa vào danh sách trọng tài viên.

 

Sau đó, hai bên cùng nhau chỉ định 3 trọng tài viên còn lại và chỉ định chủ tịch của trọng tài. Nếu các bên không thể nhất trí về việc cử trọng tài viên hoặc chủ tịch trong vòng 60 ngày thì Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển sẽ cử. Các bên chịu mọi chi phí cho trọng tài, kể cả thù lao cho các trọng tài viên theo công thức 50/50. Các quyết định của trọng tài được thông qua bằng đa số. Nếu số phiếu thuận và chống ngang nhau thì phiếu của chủ tịch trọng tài sẽ quyết định.

 

Phán quyết của trọng tài là cuối cùng và không được kháng án. Tuy nhiên, nếu các bên tranh chấp có thỏa thuận trước thì cũng có thể đưa ra xem xét lại. Tất cả các bên trong vụ tranh chấp do trọng tài xét xử phải tuân theo quyết định của trọng tài. Nếu các bên có tranh chấp trong việc giải thích hay thực hiện quyết định của trọng tài thì bất cứ bên nào cũng có quyền đưa ra trọng tài đã ra quyết định để trọng tài xem xét. Ngoài ra, nếu tất cả các bên tranh chấp nhất trí thì tranh chấp đó có thể được đưa lên Tòa án quốc tế La Hay hoặc Tòa án quốc tế về Luật Biển để giải quyết.

 

Trọng tài quốc tế đặc biệt theo phụ lục VIII của Công ước Luật Biển năm 1982: Chức năng của trọng tài này hẹp hơn so với trọng tài chung theo phụ lục VII nêu trên. Trọng tài đặc biệt theo phụ lục VIII của Công ước Luật Biển năm 1982 chỉ giải quyết các tranh chấp về giải thích và thực hiện các quy định của công ước liên quan đến 4 loại vụ việc. Đó là về đánh cá, bảo vệ mội trường biển, nghiên cứu khoa học biển và hàng hải. Trước hết, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ, Quỹ Môi trường của LHQ, Ủy ban Hải dương học liên chính phủ và Tổ chức Hàng hải quốc tế lập 4 danh sách trọng tài viên thuộc chuyên ngành của mình. Mỗi quốc gia thành viên được quyền cử 2 chuyên gia trong mỗi lĩnh vực.

 

Cách thức tổ chức trọng tài đặc biệt như sau: Thông thường trọng tài có 5 thành viên; mỗi bên tranh chấp chỉ định 2 trọng tài viên (trong đó có thể có một người là công dân nước mình); sau đó hai bên cùng nhau chỉ định trọng tài viên thứ năm làm chủ tịch trọng tài. Nếu trong vòng 30 ngày hai bên tranh chấp không cử được chủ tịch trọng tài thì Tổng Thư ký LHQ sẽ cử. Công ước cũng quy định các bên chịu mọi chi phí cho trọng tài, kể cả thù lao cho các trọng tài viên theo công thức 50/50. Tương tự như trọng tài theo phụ lục VII nói trên, các quyết định của trọng tài đặc biệt cũng được thông qua bằng đa số phiếu. Trong trường hợp số phiếu thuận và phiếu chống ngang nhau thì phiếu của chủ tịch trọng tài sẽ quyết định.

 

Phán quyết của trọng tài đặc biệt là cuối cùng và không được kháng án. Nhưng nếu các bên tranh chấp có thỏa thuận trước về việc kháng cáo thì cũng có thể đưa ra xem xét lại. Tất cả các bên trong vụ tranh chấp do trọng tài xét xử phải tuân theo quyết định của trọng tài. Nếu các bên có tranh chấp trong việc giải thích hay thực hiện quyết định của trọng tài thì bất cứ bên nào cũng có quyền đưa ra trọng tài đã ra quyết định để trọng tài xem xét. Ngoài ra, nếu tất cả các bên tranh chấp nhất trí thì tranh chấp đó có thể được đưa lên Toà án quốc tế La Hay hoặc Toà án quốc tế về Luật Biển để giải quyết.  

 

Theo Nguyễn Thanh Chương

 Lao động