Kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai tại Biên Hòa, Đồng Nai:
“Các anh làm thế thì chết dân mất!”
Đó là lời than của ông Nguyễn Khải, Vụ trưởng Vụ Đất đai Bộ Tài nguyên môi trường, Trưởng đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Luật đất đai khu vực phía Nam. Ngày 9/8, đoàn kiểm tra đã bị "bao vây" bởi dân chúng tỉnh Đồng Nai.
Sổ đỏ cất kho, khó lấy ra
Dù đã thông báo đoàn chỉ tiếp công dân TP Biên Hòa, nhưng có đến trên 500 người dân (hầu hết ở các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành, Long Khánh...) tìm đến xin gặp đoàn.
Ông Khải cho biết có hơn 56.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã được UBND TP Biên Hòa ký trong thời gian qua, song có hơn 32.000 sổ chưa tới tay người dân, kể cả người đã hoàn tất nghĩa vụ tài chính.
“Người dân phản ảnh với tôi họ đóng tiền cả tháng trời vẫn chưa được nhận sổ, vì sao?” - ông Khải hỏi khi đoàn làm việc với lãnh đạo UBND TP Biên Hòa trước đó. Phó Phòng TN-MT Hồ Bá Minh trả lời: “Dạ, hồ sơ chưa cấp, bỏ vô kho, mỗi lần lấy ra rất lâu”.
Ông Khải tức giận, hỏi tiếp: “Sổ đỏ ký rồi không cấp, còn hồ sơ người dân nộp vô các anh không giải quyết là sao?”. Ông Minh: “Có nhiều trường hợp nộp vô thấy thiếu đủ thứ, chúng em phải trả về để họ bổ sung”. Ông Khải lắc đầu: “Các anh nói thực hiện “một cửa” mà vui thì anh làm ngay, buồn thì anh bắt dân bổ sung. Thế này thì chết dân mất”.
Ông Khải đưa ra một tờ thông báo của UBND phường Quang Vinh do người dân cung cấp, có nội dung “đề nghị các hộ khi nhận thông báo này phải sắp xếp nơi ở để bàn giao mặt bằng”. Lại một lần nữa, ông Khải kêu lên: “Các anh thông báo kiểu này thì chết dân thật! Có ai lại bắt dân tự đi tìm chỗ khác để bàn giao mặt bằng không?”.
Dự án nào cũng vướng!
Liên quan đến công tác quản lý đất đai, ông Hồ Bá Minh than: “Số dân xây dựng trái phép là số hay gây rối. Đất quốc phòng ở phường Tân Phong, Thủ tướng đã có quyết định giao đất nhưng dân cứ vô chiếm”. Ông Khải: “Thế đất đã cắm ranh chưa?”. Ông Minh: “Dạ chưa”. “Chưa cắm ranh sao anh biết dân chiếm?” - ông Khải hỏi. Ông Minh: “Dạ tại địa phương báo lên. Tết vừa qua chúng em cưỡng chế 18 trường hợp nên “nó” mới im”.
Một lần nữa, ông Khải lắc đầu ngán ngẩm: “Dân nói với tôi họ đang sống ổn định thì bị cưỡng chế giải tỏa trắng, nhưng không biết đi đâu. Có anh vừa khóc vừa kể nhà anh ta bị giải tỏa khi vợ anh mới sinh, con anh đi học về thấy nhà không còn mếu máo hỏi: Ba ơi, nhà mình đâu? Nghe không chịu nổi các anh à”.
Theo đại diện Hội đồng bồi thường của TP Biên Hòa, 80% đơn khiếu nại liên quan đến đền bù giải tỏa, công tác bố trí khu tạm cư tổ chức chưa kịp thời nhưng công trình nào cũng muốn khởi công sớm nên phải... cưỡng chế.
Phường Quang Vinh là nơi đoàn kiểm tra thực tế vào buổi chiều. Tại đây hiện có năm dự án phát triển đô thị đang triển khai, nhưng cả năm dự án đều bị vướng (dự án của đoàn điều tra qui hoạch 10, dự án khu tái định cư 9,5ha, dự án Trung tâm Giao dịch bưu chính viễn thông, dự án đường vào miếu Bình Thiền, dự án chung cư cao tầng và kênh 1). Trong đó, đơn thư của người dân bị ảnh hưởng từ dự án khu tái định cư 9,5ha chiếm nhiều nhất.
Hôm nay 10/8, đoàn sẽ làm việc với lãnh đạo và tiếp dân huyện Trảng Bom.
Theo Đoan Trang
Tuổi trẻ